(Bài Ý kiến của độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Chỉ trong vài ngày, cuộc sống ở Mỹ đã thay đổi chóng mặt. Thứ sáu, 13/3, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Thứ sáu ngày 13 được xem là ngày xui rủi ở phương Tây, vì vậy chuyện ông Trump ra tuyên bố vào ngày này chỉ khiến tình trạng thêm rầu rĩ ảm đạm.
Sau khi mua sắm chống dịch, tôi trở về nhà. Công ty gửi email cho phép nhân viên chủ động làm việc tại nhà. Do tính chất công việc nên tôi cũng nhanh chóng được làm việc tại nhà. Còn một số đông đồng nghiệp vẫn đi làm. Ngoài những ai không thể làm việc tại nhà do tính chất công việc, những người còn lại chắc là chăm chỉ quá mức hay lo sợ mất việc.
Sáng sớm, Siri trên iPhone báo rằng đường đi làm không đông như mọi khi những vẫn kẹt. Khoảng đường đi làm của tôi vẫn sẽ dài thêm 10 phút so với khi hoàn toàn trống trải, tức là vẫn nhiều người đi làm.
>> Tại sao hệ thống y tế Mỹ 'lúng túng' với Covid-19?
Quận hạt nơi tôi ở đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ bar chỉ bán rượu, nhà hàng thì chỉ được bán hàng đem về nhà hay đưa tới tận nhà. Các cuộc tụ tập trên 50 người bị cấm, trường học đóng cửa, rạp chiếu phim đóng cửa và tất cả cuộc biểu diễn giải trí đều bị cấm. Tòa án và các công sở của chính phủ đều đóng cửa, trừ những dịch vụ thiết yếu.
Tôi ở nhà nên không được tận mắt chứng kiến những hành vi "liều mạng" như tụ tập đông người. Tuy vậy trên mạng xã hội vẫn lan truyền những tấm hình chứng tỏ sự ngu ngốc của nhiều người - từ "ngu ngốc" là báo chí gọi. Cuối tuần rồi là ngày lễ. Người ta thường kỉ niệm ngày này bằng cách tụ tập ở các quán bar và uống rượu. Nhiều quán rượu ở những nơi chưa bị đóng cửa vẫn đầy người.
Nơi tôi sống cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển xinh đẹp. Kì nghỉ mùa xuân của các trường đại học khiến các sinh viên tụ tập ở bãi biển. Florida, địa điểm nghỉ mùa xuân phổ biến, lại cũng là nơi có rất nhiều sinh viên trẻ khỏe đi nghỉ với những suy nghĩ kiểu "trẻ trâu". Hậu quả là những bãi biển đầy người mà chính quyền bang phải ra tay dọn dẹp.
>> Trump sợ kinh tế Mỹ 'mắc dịch' trước người dân
Các báo cáo trước giờ cho rằng người lớn tuổi thường có nguy cơ tử vong cao còn người trẻ tuổi thì chỉ bị viêm phổi với triệu chứng nhẹ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ cứ ăn chơi như không có gì. Sáng nay, Bộ trưởng bộ Sức khỏe và Dịch vụ con người đã xuất hiện với ông Trump trong buổi họp báo và nói rằng các báo cáo ở Pháp và Ý cho thấy rằng người trẻ cũng nhiều người bị nặng và chết. Chắc bà đã phát sợ với sự chủ quan của người trẻ ở Mỹ.
Đó là những vấn đề thiết yếu về chống dịch. Nước Mỹ thì luôn nghĩ tới kinh tế và chuyện bảo đảm đời sống của người dân luôn luôn là ưu tiên hàng đầu nên chuyện làm sao để người dân ít bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế tồi tệ là một việc mà chính phủ Mỹ phải làm song song với chống dịch. Thực ra thì nếu người dân không có tiền thì họ không thể ở nhà và họ sẽ phải ra đường kiếm ăn đồng thời lây lan bệnh tật.
Nước Mỹ gần đây đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ và chính quyền Obama khi đó đã bơm một lượng tiền lớn vào các công ty để họ tiếp tục trả lương cho nhân viên, từ đó người dân vẫn có việc làm, vẫn có thu nhập và mua sắm, khiến cho nền kinh tế dần khá lên.
>> Nỗi sợ của những người Mỹ không bảo hiểm y tế
Lần này thì hoàn toàn khác hẳn. Một lượng rất lớn người dân sẽ mất việc mà nguyên nhân không phải do các công ty không có vốn. Họ sẽ không thể làm việc vì họ phải ở nhà. Việc bơm tiền cho các công ty cũng không có ích gì nên ông Trump giờ đang định đưa tiền cho người dân, cụ thể là 1.000 đôla cho mỗi người, trừ người có thu nhập cao. Đại khái nó cũng giống như hành động đưa thức ăn và nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân trong vòng cách ly ở Việt Nam, nhưng được thực hiện trên diện rộng bằng tiền.
Những ảnh hưởng rõ ràng của Covid-19 đối với xã hội Mỹ bắt đầu khi các giải đấu thể thao nhà nghề bị hủy bỏ. Đối với một số người Việt Nam thì đây chỉ là trò vui, hủy bỏ là cần thiết để chống dịch. Người Mỹ thì thấy một mặt khác, đó là hàng trăm nghìn người làm các việc hậu cần trong ngành thể thao - mà đa phần là những người lương không cao lắm - phải mất việc.
Hậu quả là họ cũng sẽ phải tham gia vào một hàng dài những người xin trợ cấp thất nghiệp, tạo ra một đám đông khổng lồ ở các cơ quan nhà nước lo việc trợ cấp thất nghiệp. Đại khái nó giống như một cú đấm mà hậu quả không phải chỉ là mất một trò vui mà còn là những hậu quả kinh tế nặng nề đồng thời tạo ra cơ hội lây nhiễm ở một nơi khác.
Vì thế nên quận hạt có ra thông báo là có thể xin trợ cấp thất nghiệp hay phiếu mua thực phẩm (food stamp) online. Dự định gởi tiền về tận nhà cho dân của ông Trump được đưa ra khi phải đối đầu với các thực tế khắc nghiệt này.
Đại dịch Covid-19 lần này là dịch bệnh tồi tệ nhất từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Đã một trăm năm qua loài người chưa từng thấy dịch bệnh thế này và trên trái đất hiện giờ không ai có chút kinh nghiệm nào trong cuộc chiến với virus như thế này. Vì vậy ai cũng phải nâng cao cảnh giác và cố gắng làm phần mình để giảm bớt dịch bệnh.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh