(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong những ngày cách ly xã hội, ai cũng có cách để tương tác với thế giới cho đỡ buồn. Ở Mỹ, các ngôi sao thường hay tổ chức livestream trên mạng xã hội và kể lể đủ thứ chuyện. Là một người hâm mộ bóng đá, tôi cũng thường xuyên theo dõi và rút ra những câu chuyện khá buồn cười.
Những người làm trong ngành thể thao là những người thất nghiệp đầu tiên trong công cuộc chống dịch Covid-19. Ở Mỹ cũng vậy. Các giải đấu thể thao bị dẹp đầu tiên trước khi các sắc lệnh cấm tập tụ được đưa ra. Các cầu thủ cũng thất nghiệp đầu tiên, dù rằng mỗi người một kiểu. Rồi sau đó các cầu thủ đều cố gắng trở về nhà nhưng các chuyến bay bị hạn chế gây ra đủ chuyện dở khóc dở cười.
Một trong những ngôi sao bóng đá lớn nhất của Mỹ là Christian Pulisic đang cách ly trong căn hộ sang trọng ở London. Anh ấy tâng bóng trong nhà và kêu gọi mọi người đừng ra đường. Đó cũng là những "đóng góp" mà các ngôi sao bây giờ có thể làm được cho xã hội.
Một số cầu thủ khác thì khoe những tấm hình chụp cùng vợ hay chồng trên những bãi cỏ bóng mượt ở sân golf. Ở Mỹ có rất nhiều sân golf có nhà ở gần, gọi là golf resort community. Sân golf đã đóng cửa không đón nhận khách nên các cư dân có thể ra ngoài đá bóng mà không gặp ai.
>> Khẩu trang - gót chân Achilles của người Mỹ
Có những cầu thủ sự nghiệp mới khá hơn nhưng vẫn chưa giàu mấy, họ trở về sống với vợ chồng và nuôi gà trồng rau trong sân nhà. Có người vội đi thăm bạn trai bạn gái ở phương xa và bị kẹt lại nơi họ sinh sống. Có cả những người tới thăm cầu thủ là vợ/chồng của mình trong khi họ đang lại ở căn hộ của đội bóng và bị kẹt ở đó luôn. Vậy là một nhóm cầu thủ lại livestream cùng vợ chồng của mấy các đồng đội bị ở kẹt lại.
Một trường hợp khá buồn cười là cặp đôi cầu thủ bóng đá Megan Rapinoe và cầu thủ bóng rổ Sue Bird. Họ được ESPN mời sang Connecticut để ghi hình một sự kiện nhưng làm vừa xong thì lệnh cách ly được đưa ra, họ không thể trở về nhà ở Seattle. Vậy là cả hai phải thuê một căn hộ AirBnB để ở lại Connecticut, hằng ngày tìm cách ra sân cỏ công viên tập luyện để giữ thể lực.
Những ngôi sao mới nổi thì không may mắn như vậy. Có người bị kẹt lại trong những căn hộ mà đội bóng thuê cho ở nên họ đành đem mấy cuộn giấy vệ sinh ra tâng như tâng bóng. Có cả những sinh viên mới ra trường vừa được các đội bóng trong nước thử việc (draft) nhưng chưa kịp bắt đầu thì mùa bóng đã bị hoãn. Họ lủi thủi trở về nhà, tâng bóng bên cạnh chiếc giường thời sinh viên nằm trong nhà của cha mẹ.
Các nhà báo cũng lâm vào cảnh khó khăn. Không có hoạt động thể thao nào diễn ra nên chỉ trong vòng một tháng đã có rất nhiều người bị sa thải. Các phóng viên thể thao lừng danh, những nhà bình luận giọng nói vang vọng trên truyền hình đều ra đi. Vài người còn sót lại phải nghĩ ra đủ cách để nặn ra được ít bài viết. Vì thế vụ kiện đòi bình đẳng tiền lương của tuyển nữ Mỹ lại trở nên chủ đề nóng hổi, mỗi trang giấy nộp lên tòa đều được phân tích đủ điều.
>> Tôi cách ly tại nhà ở Mỹ, hàng xóm đổ ra biển
Đến cả liên đoàn bóng đá cũng phải nghĩ ra đủ cách để thu hút sự quan tâm của khán giả. Họ chỉ sợ là khán giả kéo qua coi phim ảnh rồi lại quên cả thể thao thì tiêu. Vậy là huấn luyện viên trưởng tuyển Mỹ tổ chức một cuộc phỏng vấn trực tiếp với người hâm mộ. FIFA cũng tổ chức chiếu lại mấy trận World Cup kinh điển trên Youtube để mọi người coi cho đỡ buồn.
Dịch bệnh lần này là một sự kiện trăm năm có một. Ở khắp nơi trên thế giới có rất nhiều người te tua, chỉ là mức độ và cách thức khác nhau mà thôi. Ngay cả trong giới cầu thủ cũng vậy, những ngôi sao triệu phú thì ở nhà giải khuây, lại có cả sân cỏ mượt để tập luyện nhưng vẫn phải nghĩ tới việc bị bán đi để CLB giải quyết nợ nần. Những cầu thủ ít tiếng tăm thì thôi rồi, có người ra ngoài để tìm một sân cỏ tập giữ thể lực cũng còn khó. Có người còn chưa biết làm sao để có đủ ăn giữ thể lực, thật là buồn thảm.
Khoảng cách giàu nghèo của xã hội Mỹ được phơi bày rõ rệt trong những ngày dịch bệnh mà giới cầu thủ bóng đá cũng là một lát cắt trong đó. Tuy cùng một nghề nhưng người giàu kẻ nghèo khác nhau và để giải quyết một vấn đề cơ bản là tập luyện hằng ngày cũng nan giải với nhiều cầu thủ.
Những ngày này thì người Việt Nam cũng phải ở nhà cách ly để phòng bệnh. Nước Mỹ vì sự chậm trễ của chính phủ mà người chết cao, xã hội cách ly không biết khi nào xong, người nghèo cực kì khổ sở. Việt Nam đã tạm thời thành công trong việc ngăn chặn việc bệnh xâm nhập, nay mọi người cứ đổ ra đường cho vui rồi tìm đủ cách đối phó với quy định thì công sức bao lâu nay sẽ đổ sông đổ bể. Mong mọi người dân có thể nhìn vào những gì diễn ra ở Mỹ mà chịu khó mấy ngày, chứ đừng để lâm vào cảnh trên dưới đều khổ.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh