Luật sư Khanh, đang sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về cuộc sống sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump:
Sau khi ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp, người Mỹ mới bắt đầu phản ứng. Lời tuyên bố được đưa ra khoảng 12 trưa ngày thứ sáu13/3. Chiều thứ sáu thì các siêu thị tràn ngập người đi mua tất cả mọi thứ. Những sản phẩm mang chất bột như bánh mì, bột làm bánh mì, khoai tây, ngũ cốc, cháo lúa mạch, gạo, nếp đều được mua sạch. Các loại thịt để đông lạnh cũng vậy, rau củ đóng hộp hay đông lạnh cũng biến mất. Mì gói cũng bán chạy tuy không bằng, do người Mỹ ít ăn mì gói. May mà mì khô và bún khô ở chợ Việt vẫn còn nhiều nên tôi tích trữ mặt hàng này.
Các loại chất tẩy rửa, các loại xà bông sữa tắm bột giặt dầu gội đầu cũng "ra đi". Thuốc tẩy, nước Clo cũng bán hết sạch. Sữa công thức cho trẻ em và các loại tã cũng không còn gì sót lại.
>> Cuộc sống của tôi đảo lộn sau khi Mỹ 'cấm cửa châu Âu'
Giấy vệ sinh là mặt hàng hết nhanh nhất nhưng cũng gây ra cảm giác buồn cười nhất. Các chuyên gia nói rằng giấy vệ sinh đâu có ngăn ngừa hay chữa khỏi Covid-19, mà có bị bệnh thì số lượng giấy vệ sinh cần dùng cũng đâu có tăng lên. Nhưng cảm giác thiếu giấy vệ sinh khi bị cách ly trong nhà có lẽ làm mọi người căng thẳng. Các siêu thị vì vậy phải giới hạn số giấy vệ sinh mà mỗi người có thể mua.
Một siêu thị mà tôi tới có một hàng dài người đứng ngoài. Siêu thị không muốn quá nhiều người chen lấn nên họ chỉ cho một số người vào trong, đợi một số người ra khỏi rồi mới cho thêm vào. Vẫn chả ai có khẩu trang vì có đâu mà mua. Tôi thì mấy tháng trước có mua được vài cái, nay đem ra đeo cho yên tâm, khiến người ta nhìn như "người ngoài hành tinh".
Tôi đi trong nhà thuốc kiếm mua vài chai thuốc cảm cúm thông thường để dành. Rồi tôi chợt nhận ra rằng trông ai cũng có vẻ hoảng hốt khi nhìn thấy tôi. Một người châu Á đeo khẩu trang tìm mua thuốc cảm cúm lúc này chắc cũng hơi giống như một đoạn phim kinh dị với người Mỹ.
Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông Trump đã mời lãnh đạo các doanh nghiệp siêu thị lớn như Walmart, Target, các nhà thuốc lớn như CVS, Walsgreen, và các công ty chuyên về xét nghiệm y khoa như Roche và Quest Diagnostic họp. Ai cũng hứa hẹn sẽ mở cửa, làm mọi cách để đưa hàng tới và đảm bảo an toàn vệ sinh.
>>Người Nhật gặp khó mùa dịch Covid-19 vì 'quá chăm làm'
Nhưng mà khẩu trang đâu thì chả thấy ai nói tới. Ông Trump thậm chí còn "đè" hết người này tới người kia ra bắt tay trong khi ông còn đang bị nghi ngờ là có thể nhiễm do tiếp xúc với các quan chức Brazil đã bị nhiễm. Trước những câu hỏi của báo chí, ông đành xét nghiệm và may thay đã âm tính với Covid-19.
Ở Mỹ có một câu chuyện đang được nhiều người quan tâm về một anh chàng ở Tennessee. Anh ta mấy tháng nay đi gom hàng nước rửa tay khô, tới mức đang trữ 17.700 chai, và bán lại với giá cắt cổ trên Amazon. Amazon nhìn thấy hoạt động khả nghi nên dẹp luôn tài khoản bán hàng này. Câu chuyện lên báo và giờ thì anh ta đang bị điều tra. Cái này có thể bị khép vào tội lợi dụng tai họa để trục lợi bất chính.
>> Tin giả Covid-19 như 'vết dầu loang'
Các nước trên thế giới đang xem Việt Nam như hình mẫu về containment tức là khoanh vùng ngăn dịch lan ra. Còn Mỹ và hầu như tất cả các nước khác đều không làm điều này, họ dùng phương pháp flatten the curve, tức là "làm chậm lại và giảm bớt" diễn biến dịch bệnh.
Theo phương pháp này thì nếu mọi người giảm tiếp xúc lẫn nhau thì bệnh sẽ bị lây lan chậm hơn và ít hơn, số người cần chăm sóc y tế không quá nhiều cùng một lúc và hệ thống y tế không quá tải. Đại khái là phương pháp "chịu trận một cách có tổ chức" giống như phòng thủ phản công trong bóng đá.
Đó là diễn biến mấy ngày qua trong cuộc sống chung quanh tôi. Giờ thì tôi chỉ có thể ở nhà nằm yên và cầu mong cho dịch bệnh qua nhanh. Chúc các bạn sức khỏe.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.