Hút thuốc lá thường ảnh hưởng đến các cơ quan như phổi, gan, tim, tác động xấu đến lưỡi. Thói quen này có thể làm thay đổi hoạt động bình thường của các tế bào lót lưỡi.
Hơn 60 hóa chất độc hại trong thuốc lá xâm nhập vào các cơ quan và hệ thống khác nhau của cơ thể. Chất độc từ thuốc lá làm tăng sản xuất các gốc tự do có thể gây hại protein trong tế bào và đột biến DNA. Các thay đổi này có thể dẫn đến ung thư biểu mô tế bào vảy miệng - loại ung thư miệng phổ biến thường phát triển ở lưỡi.
Nguy cơ phát triển ung thư vùng miệng tăng tỷ lệ thuận với số lượng thuốc lá hút mỗi ngày, thời gian hút cũng như uống rượu. Theo nghiên cứu năm 2009 của Trường Đại học Cattolica del Sacro Cuore, Italy, và một số đơn vị, trên hơn 27.000 người, những người hút nhiều hơn một gói và uống từ ba ly rượu trở lên mỗi ngày có nguy cơ ung thư khoang miệng tăng 15 lần.
Nghiên cứu công bố năm 2022 của Trường Đại học Sri Jayewardenepura, Sri Lanka, trên 315 người, cho thấy nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy miệng ở người hút thuốc lá gần gấp ba lần người không hút thuốc. Người hút hai gói trở lên mỗi ngày có khả năng mắc bệnh này cao gấp đôi người hút 1-2 gói mỗi ngày.
Hút thuốc trong hơn 20 năm làm tăng nguy cơ ung thư miệng lên 3,4 lần. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động, nhất là lâu dài, cũng có thể dẫn đến ung thư lưỡi và u ác tính vùng miệng nói chung.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư lưỡi thường xuất hiện triệu chứng cảnh báo như các mảng đỏ, trắng trên lưỡi; đau tai không liên quan nhiễm trùng tai; đau hoặc tê ở miệng, môi và vùng xung quanh; khó nhai nuốt, khó nói. Khối u hoặc vết sưng trên lưỡi, trong các hạch bạch huyết trên cổ; đau dai dẳng trong miệng, giảm cân không rõ nguyên nhân, hơi thở hôi mạn tính cũng là dấu hiệu cảnh báo.
Bỏ hút thuốc làm giảm khả năng mắc ung thư lưỡi hoặc miệng theo thời gian, cải thiện và giảm nguy cơ phát triển các vấn đề răng miệng khác nhau. 5-10 năm sau khi bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư thanh quản, khoang miệng, lưỡi và họng giảm đi một nửa.
Tiếp tục hút thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư là một trong những yếu tố có tác động lớn nhất, làm giảm tỷ lệ sống của bệnh nhân. Nó cũng liên quan đến nhiều rủi ro như thất bại điều trị cao hơn, phát triển khối u khác, khả năng đáp ứng điều trị và chất lượng cuộc sống kém.
Hút thuốc lá điện tử cũng liên quan đến nguy cơ ung thư lưỡi, miệng, có thể dẫn đến kích ứng và viêm niêm mạc miệng. Tình trạng này mạn tính có thể phát triển ung thư theo thời gian. Bình xịt thuốc lá điện tử có chứa hỗn hợp hóa chất như nicotin, hương liệu và các chất có hại khác. Tiếp xúc kéo dài với các hóa chất này gây hại các mô trong khoang miệng.
Yếu tố nguy cơ khác gây ung thư lưỡi như nhiễm virus u nhú ở người (HPV), thừa cân hoặc béo phì, tuổi cao, tiếp xúc với tia cực tím (UV) và hóa chất độc hại. Bỏ hút thuốc, tránh hoặc hạn chế uống rượu, giảm tiếp xúc với tia UV, tiêm vaccine HPV, thường xuyên kiểm tra răng miệng, ăn uống lành mạnh giúp phòng tránh ung thư lưỡi.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp |