Buổi sáng khi chở con đi học, đôi khi tôi hay kể chuyện ngày xưa cho con nghe. Không hiểu thế nào mà tôi lại kể lể chuyện ngày xưa ông bà đã chở mẹ đi học trên cái xe đạp, lúc nhỏ thì ngồi yên trước, khi lớn thì ra yên sau...
Rồi tôi lại phán thêm rằng, bây giờ con sướng lắm đấy, ngồi trên xe hơi mưa không tới mặt nắng chả tới đầu, máy nóng máy lạnh gì có cả.
Suy đi nghĩ lại thì chắc là tôi cũng đã vào cái tuổi có một thế hệ trẻ hơn mình và mình có cớ để kể lể về những khó khăn gian khổ mà mình đã trải qua. Còn việc sáng sáng lại càu nhàu về cái khổ của mình cho con nó nghe thì đúng là hơi vô duyên.
Con người đâu ai chọn được cửa để mà sinh ra. Lúc nhỏ mình phải ngồi trên xe đạp là do phúc của mình tới đó. Còn những đứa trẻ cùng thời quanh tôi, có đứa không được đi học, có đứa bỏ học từ lớp ba, có những ông bố bà mẹ rượt con mà đánh, so ra thì phúc của mình hơn hẳn mấy bạn ấy đấy chứ.
Câu chuyện "giới trẻ bây giờ khổ hay sướng" là một câu chuyện ám ảnh nhiều người. Nhưng vì sao người ta lại có nhu cầu ngồi đó phán xét sự sướng khổ của người khác thì thật là bí ẩn. Hình như là con người ai ai cũng có nhu cầu ghen tỵ, mà ghen tỵ với người trẻ hơn mình thì lúc nào cũng dễ, nên cứ làm mà thôi.
Vậy là các thế hệ bây giờ được dán nhãn hẳn hoi, với những cái tên rất ấn tượng. Ai cũng chỉ hiểu được có mỗi cái thế hệ của mình, còn lại thì cứ ngồi đó đổ lỗi cho nhau.
Hồi mới có dịch Covid-19, chính phủ Mỹ kêu gọi người dân ở nhà nhưng các sinh viên vẫn đổ ra bãi biển chơi xuân. Các cụ già lại lôi đám "millenials" ra mắng, trong khi thế hệ đó ít ra cũng đã gần tuổi 30, còn học đại học nữa đâu. Thay vào đó, millenials toàn là đã đi làm, có con, hay chăm sóc cha mẹ già, hay là cả ba, làm gì mà được vui chơi như vậy.
Ở Việt Nam cũng vậy, tôi cảm thấy hết sức mệt mỏi với những người U70 kể lể "chiến công" của mình rồi chê bai lớp trẻ này nọ.
Sau mấy chục năm xây dựng sự nghiệp mà có được vài căn nhà rồi lại đi coi thường những người trẻ hơn mình tới mấy chục tuổi, có khác nào đứa trẻ lên mười lại mắng đứa trẻ lên ba là sao không biết đọc.
Một lần tôi đăng vài dòng tâm trạng trên mạng xã hội để nói về thuở còn đi học. Tôi nói rằng hôm nay mình ngồi trên xe lửa, nhớ về thời đi học, quanh năm phải dùng phương tiện giao thông công cộng nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc.
Các bạn tôi cũng hưởng ứng, nói rằng lúc đấy mình không có gì trong tay nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Các bạn ấy bây giờ đã có gia đình, con cái, công việc. Cái vụ "một chồng hai con ba tầng bốn bánh" ấy là chuyện nhỏ. Nhà thì phải ba cái trở lên, xe thì chỉ có bốn bánh thôi nhưng ở nhà mỗi người trưởng thành là một chiếc, toàn là BMW, cộng thêm mấy thứ như du lịch sang chảnh, con học trường xịn này nọ... và các bạn ấy cũng ở những thành phố đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.
Vậy thì ở thời hiện tại các bạn ấy có thành công không? Lúc hai mươi tuổi các bạn ấy có nghèo nàn dở tệ hay không? Ở tuổi hai mươi, các bạn đó có suất học bổng toàn phần đi du học, trong túi chỉ có vài trăm đôla nhưng chưa đói rét bao giờ. So với hai mươi năm về sau thì các bạn ấy nghèo, còn so với bạn bè cùng lứa lúc đó, thì các bạn ấy rất giàu.
Cha mẹ tôi lớn lên trong chiến tranh và quả thực là thế hệ đấy khổ hơn thế hệ của tôi rất nhiều, bởi vì chiến tranh thì tệ hơn hòa bình. Khi lắng nghe những bài hát cách mạnh hào hùng, tôi có nghe những câu như: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Rốt cuộc là thế hệ trước chiến đấu để thế hệ sau phải khổ sở hay sao? Nếu bạn đã già và bạn muốn nói rằng bọn trẻ giờ sướng quá thì bạn nên nhớ rằng, đấy là do ước muốn quyết tâm của ông bà cha mẹ phấn đấu bao thế hệ mới được như vậy.
Nếu bây giờ đất nước vẫn nghèo như xưa, con người vẫn không có thiết bị di động, máy bay xe hơi không chạy ầm ầm, thì mới gọi là tai họa. Còn đất đai nhà cửa thì thì vẫn còn đó, cha mẹ rồi cũng để lại cho con cái, lúc đó giới trẻ sẽ có nhà.
Chứ đất chật người đông, các bác mua nhà trước rồi chê lớp trẻ dở, hóa ra là chê con mình đấy à?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.