Là thế hệ 8X đời đầu nhưng tôi không giáo điều với thế hệ sau bởi vì họ sống thế nào đó là quyền của họ. Họ " lười" trong con mắt của bạn nhưng vẫn có đủ thu nhập để chi trả cho cuộc sống thì cũng không có gì là xấu cả.
Họ gọi đồ ăn uống, sử dụng các dịch vụ giao hàng... là đang tạo việc làm cho những người khác. Cha mẹ họ tích lũy đủ để họ tiêu dùng thì nên khuyến khích tiêu dùng chứ sao lại nhìn dưới con mắt của "người nghèo" như thế?
Thật sai lầm khi đưa ra quan điểm cho rằng giới trẻ sống phung phí, không tiết kiệm. Đừng vội lên án những người trẻ chi tiêu vì chính sự chi tiêu của họ làm giàu cho xã hội.
Bởi vì "tiền có lưu động mới tăng giá trị". Theo thống kê, ước tính 50 triệu đồng tiêu dùng trong một tháng là tạo được một việc làm ngành dịch vụ, 100 triệu đồng tiêu dùng một tháng là tạo được một việc làm ngành sản xuất. Vậy nên tại sao các quốc gia luôn phải cổ vũ người dân tiêu dùng nội địa để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngày xưa khi bố mẹ tôi mới vào TP HCM năm 1995, một lô đất 80 mét vuông chỉ có giá năm triệu đồng, chỉ bằng hai năm nuôi lợn và để dành tiền ở quê mà thôi.
Năm 1997 nhà tôi mua đất cũng chỉ có giá ba triệu đồng một mét vuông, bằng một tháng lương, nhiều công nhân cũng mua được nhà đất. Nhưng hiện nay giá đất khu vực của tôi là 70 triệu đồng một mét vuông thì có làm giám đốc cũng phải mất 3 tháng lương mới để dành mua được một mét vuông đất.
>> Người trẻ túng quẫn vì đời chỉ sống một lần
Áp lực mua nhà ở hiện nay chỉ nằm ở một phần lứa 8X và 9X từ nông thôn ra thành phố mà thôi. Còn lứa 10X sinh ra ở thành phố thì hầu như đã có nhà.
Việc chi tiêu tiền kiếm được để tăng chất lượng sống là chuyện tốt chứ sao các bạn cứ phải áp đặt lối sống nghèo khổ trước đây cho họ?
Quang Tân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.