Trên diễn đàn chia sẻ rất nhiều bài viết về chi tiêu, trong đó có rất nhiều bạn trẻ thể hiện tư tưởng hưởng thụ trước khi nghĩ đến tích lũy. Tôi thì luôn có tư tưởng là phải tích lũy để phòng lúc sa cơ lỡ vận hoặc lúc ốm đau bệnh tật.
Theo một số chuyên gia thì chúng ta nên nhắm đến bốn mức giàu có là:
1. Mức đầu tiên là vững vàng tài chính: Là chúng ta phải bảo đảm có khoản tích lũy ít nhất là đủ để trang trải mức chi phí hiện tại của chúng ta trong vòng ít nhất 6 tháng.
2. Mức hai là an toàn tài chính: Là chúng ta có đủ khả năng tài chính và có nguồn thu nhập thụ động để đảm bảo cho mức sống tối thiểu mà không cần làm việc.
3. Mức ba là tự do tài chính: Là chúng ta tích lũy được nhiều tài sản gia tăng, tạo ra thu nhập thụ động đủ để trang trải cho mức sống hiện tại mà không cần phải làm việc cho đến hết đời.
4. Mức thứ tư là dư giả tài chính: Đây là mức mà hầu hết mọi người đều muốn nhắm đến.
>> Tuổi 32 chưa có nhà vì lúc trẻ xài hoang
Tuy nhiên, tôi thấy ngày nay rất nhiều các bạn lại đang làm ngược lại, tức là họ hưởng thụ trước mà không lo tích lũy, lý do họ đưa ra là lúc còn trẻ không lo hưởng thụ, khi già có hưởng thụ được nữa đâu.
Nhưng cuộc sống không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra, giống như trong những đợt dịch Covid-19, nếu những ai không có tích lũy thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Dẫu biết rằng mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, việc tiêu dùng là quyền của cá nhân, miễn sao việc tiêu dùng đó không ảnh hưởng đến chúng ta.
Nhưng nếu nói "mỗi tháng cố lắm cũng chỉ tiết kiệm được vài triệu, cả đời cũng chẳng mua được nhà", thì vài triệu đó có thể bằng một phần ba hoặc nửa tháng lương của công nhân rồi. Vài triệu với người này không lớn, nhưng vài triệu với người khác lại lớn.
Vài triệu đó không mua được nhà, nhưng nó là tiền để dành cho những lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp. Vài triệu một tháng không lớn nhưng nếu tháng nào cũng tiết kiệm vài triệu thì một năm sẽ có vài chục triệu, lúc đó nó không còn là số nhỏ.
Cuốn sách "Người giàu nhất thành Babylon" đưa ra bí quyết để trở nên giàu có là hãy dành ít nhất 10% số tiền kiếm được mỗi tháng, sau đó dùng số tiền đó để đầu tư, tức là để đồng tiền đẻ ra tiền, nhưng phải là đầu tư an toàn.
>> Không dùng nhà, ôtô làm thước đo thành công tuổi 30
Khi tiết kiệm được vài chục triệu mỗi năm, họ có thể dùng số tiền đó để gửi ngân hàng lấy lãi, có thể đầu tư chứng khoán hoặc đầu tư vào các kênh an toàn khác.
Sau năm bảy năm, số tiền đã bắt đầu lớn hơn thì họ có thể không mua được nhà đất ở các thành phố lớn, nhưng có thể mua được nhà, đất nhỏ ở các tỉnh lân cận của các thành phố lớn. Lúc đó, nó không phải là tài sản lớn nhưng ít nhất cũng là một tài sản có giá trị, là khoản dự phòng lúc hoạn nạn, ốm đau, thất nghiệp.
Câu nói "mỗi tháng cố lắm cũng chỉ tiết kiệm được vài triệu" chỉ là sự biện hộ cho thói quen tiêu dùng của họ thôi.
Thỏa
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.