Ở Nhật có những người thuộc nhóm Hikikomori, họ không đi làm, thậm chí còn lười giao tiếp, bố mẹ nuôi báo đời đến lúc ngoài 50 tuổi. Ở Việt Nam, do kinh tế mới mở cửa hơn 30 năm nay, nên nhóm "con to xác" đa phần từ 30 tuổi đổ xuống, chứ lứa 7x-8x đa phần rất ổn, vì thời đó bố mẹ họ con nghèo.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng: "Ngày xưa nghèo, mình khổ sở, bây giờ có điều kiện thì cố lo cho cho cái sống sung sướng". Cách nghĩ này không sai, có điều kiện cho con ăn ngon mặc đẹp cũng được, nhưng phải dạy con yêu lao động.
Bởi vì miệng ăn núi lở, tiền tấn rồi cũng hết với mấy người lười lao động. Họ đâu có ăn một mình, sống một mình đâu, không có nghề nghiệp, nhưng vẫn cưới vợ, sinh con rồi cha mẹ lại phải nuôi thêm con dâu, cháu nội.
>> Người trẻ túng quẫn vì 'đời chỉ sống một lần'
Những người con nhà giàu làm việc tàng tàng kiếm sống đôi khi không phải vì họ ỷ lại, có thể sức họ chỉ đủ để làm việc tàng tàng, kiếm 10-15 triệu đồng để chi tiêu (mức lương này ở Hà Nội và TP HCM không gọi là cao). Vì không phải ai cũng giỏi giang, để làm nên cơ ngơi trăm tỉ, nghìn tỷ.
Thế nhưng đầy người bố mẹ nghèo, hoặc bình bình, nhưng lương lậu cũng chỉ quanh quẩn 10-15 triệu, vì năng lực của họ chỉ đến vậy.
Nhưng con nhà giàu, làm việc làng nhàng còn đỡ, vì thời đại bây giờ còn nảy sinh ra kiểu "tiểu thư con nhà nghèo" bố mẹ chẳng dư giả gì, nhưng con cái không biết làm một cái gì hết, lúc nào cũng đòi hỏi ăn trắng mặc trơn, sau đó thì oán trách cha mẹ sao không giàu có như cha mẹ người ta để con được sung sướng.
Đàn ông con trai, lười lao động càng nguy hiểm. Không nghề nghiệp, không khó lấy cô vợ tử tế lắm. Vì phụ nữ bao giờ cũng muốn lấy người giỏi hơn mình, để nhỡ ra lúc con nhỏ, hay bầu bí nghén ngẩm không đi làm được thì có thể dựa vào chồng.
Đã thế, những người lười lao động nhưng gia đình có tiền lại thích thể hiện, hay đầu tư lung tung, đầu tư vô tội vạ, mà không hiểu mô hình mình đầu tư là gì. Ra đường mấy kẻ tiểu nhân nịnh hót vài câu thì khoái chí, dốc một đống tiền đầu tư, sau đó bị thiên hạ lừa hết.
>> Không dùng nhà, ôtô làm thước đo thành công tuổi 30
Tôi biết những người đàn ông lúc còn thanh niên thì khá lười, nhưng lấy vợ về bắt đầu thay đổi, chăm chỉ hơn hẳn. Nhưng người ta cũng có câu "lãng tử quay đầu đáng giá nghìn vàng" để một ông từ lười, hóa chăm, thì vợ cũng phải đổ không ít mồ hôi nước mắt để "dạy lại" mà xác suất thành công cũng chỉ 20-30% thôi.
Nếu chồng không ngoan, đến lúc đó lại ly hôn, rồi lại dằn vặt bản thân: "Biết thế ngày xưa không lấy ông đó, mình đúng là dại, biết anh ta lười làm vẫn cố lấy".
Cha mẹ cũng nên bảo bọc con cái ở một độ tuổi nhất định thôi. Gia đình tôi sống cũng ông bà, chị em tôi cũng không phải nấu nướng gì, đi học về là có cơm bà nấu, dọn ra ăn là cùng, có hôm bà còn dọn sẵn, chỉ việc rửa tay rồi ngồi vào ăn. Nhưng đến khi học đại học, một mình trên Hà Nội, tự thân vận động rồi cũng quen.Tôi thấy việc đi học, đi làm xa nhà nó khiến con người ta trưởng thành lên rất nhiều.
Nhưng ngay cả khi có bố mẹ có giàu có, thì con cái cũng phải lao động để tự tạo ra giá trị của bản thân, chẳng ai ngưỡng mộ một người chỉ biết ăn bám cha mẹ cả, dù cha mẹ anh ta có 1000 tỷ đi chăng nữa.
Anh LQ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.