Gần đây, tôi có dịp ngồi trà dư tửu hậu với vài người và cùng bàn luận chủ đề làm giàu. Trong số này có một ông chú U70 (63 tuổi) và một chàng thanh niên ngoài 30, mới lấy vợ.
Ông chú U70 này hỏi chàng thanh niên những câu hỏi rất đời thường, hầu như người có tuổi nào cũng hỏi: "Cưới vợ hồi nào", "Được mấy đứa con rồi", "Thu nhập đủ sống không"... Và cuộc trò chuyện trở nên "nóng" lên khi đến câu hỏi "Có nhà chưa hay còn thuê trọ?".
Chàng thanh niên đáp: "Dạ còn ở trọ, cháu cũng ráng vài năm nữa tích góp rồi vay mượn mua một căn hộ nhỏ làm chỗ chui ra chui vào". Tức thì, ông chú U70 động viên cố gắng và không kèm nhận xét: "Ráng kiếm tiền mua nhà cho vợ con ở, làm đàn ông mà để vợ con ở thuê thì kém lắm" và thòng thêm câu: "Ngày xưa chú hơn cháu vài tuổi đã có nhà cửa riêng rồi".
Tôi không biết có đụng chạm gì đến tự ái hay không mà chàng thanh niên đỏ mặt và hỏi lại: "Thế bác có biết cuộc sống bây giờ nhiều chi phí phải lo không, mỗi thời mỗi hoàn cảnh không thể gộp chung lại được".
Ông chú U70 đáp: "Ngày xưa đâu có sung sướng như bây giờ, chú lấy vợ xong được ông bà già cho miếng đất rồi tự cất nhà lá ở riêng, tự làm ruộng bươn chải, nuôi bốn, năm đứa con cực lắm mà cũng ráng làm nên bây giờ có vài mảnh đất, có nhà cho thuê, con cái thành đạt...".
Anh thanh niên nói: "Hồi bác ra riêng còn được chia đất, còn cháu phải tự cày nên chưa có nhà thì không có gì khó hiểu cả".
Ông chú U70 cũng nói lại: "Hồi xưa nhà chú cũng nghèo khổ, lúc đó ai cũng nghèo, không có máy tính, điện thoại kết nối sung sướng như bây giờ nhưng vẫn làm ăn cho khá lên được. Còn bây giờ điều kiện vật chất đầy đủ hơn, đi học cao hơn mà vẫn không khá lên được thì nhìn lại mình chứ đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh".
Xin nói sơ qua, người 63 tuổi thuộc dạng có của ăn của để ở xóm tôi. Ruộng, vườn, nhà ngói để ở, ba cái nhà cho thuê ngoài phố chợ... Tôi nghe các cô chú hàng xóm nói lại, lúc xưa gia đình của ông chú này cũng nghèo. Gia đình ba bốn người nheo nhóc ở nhà lá. Nhờ con đông nên sau này đi làm sớm đem tiền về giúp ba mẹ, cộng thêm nhà chú biết tằn tiện, làm ăn nên dần dần khá lên, có tài sản tích góp.
Tôi cũng suy nghĩ khá nhiều về câu nói "không khá lên được thì đừng đổ lỗi hoàn cảnh" của ông chú này vì ngay bản thân gia đình tôi bây giờ cuộc sống mới dễ thở hơn chứ cũng không dám nhận là khá. Thực tình tôi cũng không đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng mỗi thời đều có cái khó riêng.
Lúc đó tôi chỉ ngồi nghe chứ không dám hỏi: "Xin lỗi chú, chú có bốn năm đứa con nhưng nuôi hết đại học không? Nếu bốn, năm đứa con cùng xin tiền mua điện thoại, laptop (nếu thời đó có) thì liệu chú còn dư tiền để mua thêm nhà, mua thêm đất hay không". Tôi tin nếu hỏi câu này thì ông chú U70 kia sẽ "đứng hình" trong vài phút.
Thỉnh thoảng tôi cũng thấy những người đi trước thường có ý kiến chê bai người trẻ bây giờ "thế này, thế nọ". Ví dụ như tiêu xài nhiều, không biết tiết kiệm, không biết làm giàu, sung sướng mà không lo làm ăn... Rồi tiếp theo họ nói về chính bản thân ngày xưa nghèo khó và vượt qua thế nào. Nhưng thử hỏi, nếu áp dụng công thức xưa cũ đó cho bây giờ liệu còn đúng?
Việc chê bai người trẻ không biết cách làm giàu của người lớn tuổi hơn là không công bằng. Mỗi thế hệ đều có những thách thức và cơ hội riêng. Ví dụ như thời bao cấp ai cũng khó khăn nhưng chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ, hầu như ở quê có thể tự cung tự cấp. Còn cuộc sống bây giờ có nhiều chi phí phải lo: tiền điện, nước, thuê nhà, chăm con...
Thay vì chê bai và chỉ trích người trẻ, người đi trước có thể tạo điều kiện, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn... thay vì những lời chê suông.
Bảo Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.