Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể thay thế chức năng thận, giúp lấy đi các chất thải, độc tố, chất lỏng thừa trong máu, ổn định môi trường bên trong cơ thể (nội môi), tránh người bệnh bị nhiễm độc dẫn đến tử vong.
Ngay sau khi chạy thận, các chỉ số nội môi (creatinine máu, urê máu, kali - natri máu, pH máu...) được điều chỉnh về mức cho phép nên người bệnh cảm thấy khỏe, ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, do tình trạng thận của người bệnh suy gần như không còn hoạt động nên khi không chạy thận, các chỉ số này tăng trở lại, mức độ tùy theo cách ăn uống của người bệnh.
BS.CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hơn 15 năm đồng hành cùng người bệnh suy thận mạn điều trị chạy thận nhân tạo, bác sĩ gặp nhiều trường hợp cấp cứu trong Tết hoặc sức khỏe xấu đi sau Tết do ăn uống thoải mái hơn ngày thường.
Để ăn Tết vui vẻ, không ảnh hưởng sức khỏe, bác sĩ Thanh khuyên người chạy thận nhân tạo cần lưu ý một số điều sau:
Ăn đúng lượng cần thiết: Dịp Tết, người bệnh có xu hướng ăn uống nhiều hơn, dẫn đến thừa chất lỏng và nhiều chất như đạm, kali, natri, phốt pho, chất béo... Từ đó gây ra những vấn đề như như tăng huyết áp, phù nề tay chân mặt, phù phổi, có thể ngưng tim. Có trường hợp phải chạy thận cấp cứu trong những ngày Tết.
Không ăn thức ăn chiên xào nhiều: Đây là những món chứa nhiều dầu mỡ, gây xơ vữa mạch máu làm tăng áp lực cho thận, suy giảm chức năng thận nhiều hơn.
Không ăn kèm nước chấm: Các loại nước chấm như nước mắm, nước tương, muối tiêu chanh, tương ớt, tương cà... chứa hàm lượng muối cao, dễ khiến người bệnh tăng huyết áp, nguy cơ phải vào viện cấp cứu.
Không ăn thức ăn đun lại nhiều lần: Ngày Tết, nhiều người có thói quen nấu nhiều đồ ăn để cất trong tủ lạnh ăn dần, mỗi lần ăn lấy ra đun lại. Đun lại nhiều lần khiến món ăn mặn hơn, không tốt cho người chạy thận nhân tạo.
Trụng món kho với nước sôi: Các món như thịt kho hột vịt, sườn xào chua ngọt, gà kho quen thuộc ngày Tết. Trước khi ăn, người bệnh nên trụng qua với nước sôi hoặc nước canh (nấu nhạt) để giảm lượng muối nêm nếm trong thức ăn.
Không ăn món muối chua: Cải bẹ muối, hành muối, củ kiệu muối, dưa chuột muối, củ cải ngâm giấm... là những món ăn kèm không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết. Song, chúng chứa rất nhiều muối, đường không tốt cho sức khỏe người đang chạy thận nhân tạo.
Không uống bia rượu, nước ngọt: Do thận gần như mất hoàn toàn chức năng lọc thải chất độc nên người đang chạy thận nhân tạo dễ bị tích nhiều nước dẫn đến tăng huyết áp, phù phổi, phù cơ thể. Uống bia, rượu, đồ uống chứa cồn, nước ngọt có ga cũng không tốt cho thận.
Bác sĩ Kim Thanh khuyến cáo người bệnh suy thận mạn đang chạy thận nhân tạo cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống cả trong ngày thường và dịp lễ, Tết. Người bệnh cần uống thuốc đầy đủ và đến bệnh viện chạy thận đúng lịch hẹn.
Thắng Vũ