Trả lời:
Táo bón là dạng rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện phổ biến như không đại tiện quá ba ngày, phân lớn, khô, cứng, vón cục, chướng bụng, đau hoặc xuất huyết hậu môn. Tình trạng này có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Phụ nữ bị táo bón cao gấp ba lần nam giới.
Người cao tuổi thường bị táo bón chủ yếu là do ăn ít chất xơ, uống ít nước, ít vận động, khả năng nhai, nuốt và tiêu hóa kém. Nhiều nguyên nhân khác như tâm lý (rối loạn lo âu, căng thẳng), bệnh lý (đường tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, nhiễm độc) hoặc sử dụng một số thuốc (kháng cholinergic, kháng axit, lợi tiểu, chống co giật, chống viêm không steroid, thuốc chứa codein và morphin).
Để cải thiện tình trạng táo bón, mẹ bạn nên uống khoảng hai lít nước mỗi ngày gồm nước lọc, nước ép trái cây tươi, sữa hoặc nước canh. Hạn chế thức uống chứa nhiều đường hoặc caffeine như trà, cà phê, cacao.
Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt nhằm cung cấp đủ lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể mỗi ngày khoảng 25 g. Hạn chế ăn các loại thịt, chất béo nguồn gốc động vật, thực phẩm chế biến sẵn, món chiên xào nhiều dầu mỡ, món cay nóng, khó tiêu hóa. Bổ sung lợi khuẩn probiotic (men vi sinh) theo tư vấn của bác sĩ giúp cải thiện mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ giảm táo bón.
Mẹ bạn cũng nên vận động vừa sức, chọn bài tập luyện phù hợp như đi bộ, bơi lội. Hoạt động thể chất đều đặn tốt cho sức khỏe toàn diện, kích thích nhu động ruột hoạt động khỏe mạnh, góp phần cải thiện chứng táo bón. Thường xuyên massage bụng theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài khi mới thức dậy hoặc khi bụng đói cũng tăng cường nhu động ruột.
Duy trì thói quen đi đại tiện mỗi ngày, tránh nín nhịn đại tiện, không lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc tự ý uống thuốc điều trị táo bón khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nếu mẹ bạn táo bón kéo dài nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để khám, tránh để biến chứng nguy hiểm. Hầu hết người cao tuổi cũng mắc thêm nhiều bệnh nền hoặc mức độ lão hóa, hấp thụ dinh dưỡng kém. Mẹ bạn nên đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770 và xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để xác định cơ thể đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Dựa vào đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cụ thể phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |