Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, giảm lượng natri dư thừa khỏi chế độ ăn uống có thể giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim, đột quỵ, bệnh thận... Để duy trì huyết áp ổn định, mọi người nên có thói quen theo dõi lượng natri tiêu thụ mỗi ngày. Lượng natri ăn vào của mỗi người hằng ngày nên ở mức ít hơn 2,3 g mỗi ngày. Đối với những người bị huyết áp cao hoặc bệnh tim thì mức tiêu thụ natri được khuyến nghị là ở ngưỡng 1,5 g mỗi ngày.
Trong chế độ ăn uống, natri có nhiều nhất trong muối, ngoài ra còn có trong thực phẩm chế biến sẵn, một lượng rất ít trong thịt cá, rau quả. Muối làm tăng hương vị cho món ăn nhưng lạm dụng có thể dẫn đến giữ nước và tăng huyết áp. Từng loại muối sẽ có hàm lượng natri khác nhau. Nghiên cứu cho thấy kích thước của các tinh thể muối cũng như các khoáng chất liên kết với muối ảnh hưởng đến hương vị và độ mặn cảm nhận của nó. Dưới đây là một số loại muối cơ bản và và hàm lượng natri cụ thể trong từng loại.
Muối iốt (muối ăn): Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, muối ăn giúp bổ sung iốt, chất rất quan trọng để sản xuất hormone tuyến giáp. Muối iốt là loại muối lý phổ biến khi nấu nướng, chế biến thực phẩm. Muối iốt có kích thước tinh thể nhỏ, có hương vị đậm đà hơn so với muối có tinh thể lớn hơn.
Một muỗng cà phê muối iốt chứa khoảng 2,36 g natri (cao hơn khẩu phần khuyến cáo hàng ngày).
Muối kosher: Loại muối này thường được sử dụng ăn kèm với các món như bít tết, súp hải sản, các món nướng. Các hạt muối này có hình dạng bất thường, tạo thêm độ giòn cho thức ăn.
Muối kosher ít chất phụ gia, chứa natri nhưng không chứa iốt. Loại muối này có hàm lượng natri thấp, một muỗng cà phê muối kosher chứa 1,12 g natri. Vì vậy có thể dùng trong nêm nếm thức ăn để giảm bớt lượng natri tiêu thụ mỗi hằng ngày.
Muối biển: Ít qua chế biến hơn muối ăn và chứa nhiều chất dinh dưỡng vi lượng như kali, sắt và canxi. Loại muối này có kích thước lớn hơn muối ăn. Một muỗng cà phê muối biển chỉ chứa 1,872 g natri.
Loại muối này không dễ hòa tan nên ít khi được sử dụng trong nấu nướng và hay được sử dụng để rắc lên thức ăn.
Muối hồng Himalaya: Muối hồng Himalaya được khai thác ở gần dãy Himalaya.
Muối hồng Himalaya có ít natri hơn một chút so với muối ăn. Nó cũng có một lượng nhỏ các nguyên tố khoáng (giúp làm hồng) như magiê, kẽm, sắt, canxi và kali. Loại muối này ít iốt, một muỗng cà phê muối hồng Himalaya có khoảng 1,68 miligam natri.
Những người ăn quá nhiều muối hoặc natri, có xu hướng khát nước và họ cần uống nhiều nước hơn bình thường để đào thải muối ra khỏi cơ thể. Quá trình này buộc thận làm việc nhiều hơn để giải phóng các hóa chất như renin và angiotensin, khiến các mạch máu bị thu hẹp, dẫn đến tăng huyết áp.
Anh Chi (Theo Health, MedicineNet)