Trả lời:
Tôm có hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng, dễ chế biến thành nhiều món ăn. Mẹ của bạn bị gãy xương nên bổ sung tôm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày để đa dạng khẩu phần ăn, cung cấp thêm canxi thúc đẩy cơ thể nhanh hồi phục. Nếu không bị dị ứng với tôm, không mắc bệnh tim, người bị gãy xương có thể tiêu thụ tối đa 100 g tôm mỗi ngày.
Trung bình 100 g tôm chưa chế biến chứa 24 g protein, 91 mg canxi và 0,1 mcg vitamin D. Trong đó, canxi và vitamin D là hai dưỡng chất quan trọng để tái tạo xương mới, giúp vị trí xương gãy nhanh lành. Mỗi ngày, cơ thể cần tiêu thụ 1-1,2 g protein/kg cân nặng. Thiếu hụt protein làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng bất lợi cho quá trình hủy tế bào xương cũ và tái tạo tế bào xương mới. Người bệnh gãy xương bổ sung tôm vào chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ rút ngắn thời gian hồi phục.
100 g tôm còn cung cấp 250 mg omega-3 ở dạng EPA và DHA. Omega-3 là axit béo không bão hòa đa, giúp cơ thể hấp thu và lưu trữ canxi ở xương tốt hơn, hỗ trợ xương gãy mau lành. Omega-3 trong thịt tôm còn có tác dụng chống oxy hóa, góp phần ngăn ngừa nguy cơ mất cơ thoái hóa (sarcopenia) thường xảy ra ở người cao tuổi.
Thịt tôm còn chứa chất astaxanthin, tác dụng chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các tác nhân gây hại, góp phần cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch. Bổ sung astaxanthin có thể thúc đẩy quá trình cân bằng nội mô xương, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa - một trong các tác nhân cản trở và làm chậm quá trình hồi phục xương gãy.
Tôm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe hệ xương như vitamin B12, phốt pho, choline, thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Chúng hỗ trợ tăng mật độ khoáng trong xương, hình thành tế bào xương mới, góp phần giúp xương dẻo dai, chắc khỏe và mau lành vị trí xương gãy.
Mẹ bạn gãy xương nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường, các món chiên, xào nhiều dầu, mỡ. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích. Mẹ bạn có thể tắm nắng 15-20 phút mỗi ngày, tùy vào cường độ nắng nóng và diện tích bề mặt da tiếp xúc với ánh nắng. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt nhằm giữ cố định hoặc hạn chế chuyển động tại vùng cơ thể có xương bị gãy.
Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị, dùng thuốc, tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ cơ xương khớp hoặc chấn thương chỉnh hình. Bổ sung một số tinh chất thiên nhiên như Eggshell membrane extract (chiết xuất màng vỏ trứng), Collagen type II không biến tính, Collagen peptide thủy phân, Chondroitin sulfate (thành phần chính của cấu trúc nền ngoại bào), Turmeric root extract (chiết xuất củ nghệ) hỗ trợ giảm đau, giúp xương khớp chắc khỏe.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |