Tất cả các cơ quan trên cơ thể sẽ thoái hóa dần theo thời gian, bao gồm cả thận. Khi càng lớn tuổi, kích thước thận chỉ giảm đi một ít nhưng lưu lượng máu đi qua thận giảm nhiều, chức năng lọc cũng giảm, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận ở người cao tuổi.
TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh suy thận ở người cao tuổi, vì vậy, người thân nên khuyến khích và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa căn bệnh này.
Cụ thể, người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn ở cường độ từ nhẹ tới vừa phải, trung bình 30 phút mỗi ngày; luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, hạn chế căng thẳng và lo lắng. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết, cholesterol trong máu và huyết áp. Chế độ ăn của người bệnh cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ, uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Những người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim nên kiểm tra sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần và tầm soát suy thận định kỳ.
Thận có khả năng bù trừ tốt nên trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt mà phát triển âm thầm theo thời gian, khó phát hiện. Khi xuất hiện dấu hiệu, rất có thể suy thận đã phát triển đến giai đoạn trễ. Vì vậy, người nhà nên lưu ý và đưa người cao tuổi đi thăm khám nếu có các triệu chứng như: chán ăn, buồn nôn; uể oải, sa sút tinh thần, rối loạn giấc ngủ; tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu bất thường như có bọt, lẫn máu, màu nước nhạt hoặc đậm hơn bình thường...; cơ bắp co giật, chuột rút, đau hông lưng; ngứa dai dẳng; phù mặt, cổ, tay, chân; đau ngực, khó thở, hơi thở có mùi hôi...
Bác sĩ Phương Dung khuyến cáo, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chức năng thận sẽ ngày càng suy giảm, người bệnh đối mặt với nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó có thiếu máu do khả năng hỗ trợ cơ thể tạo ra tế bào hồng cầu của thận bị suy giảm. Hệ xương của người bệnh cao tuổi mắc suy thận cũng sẽ yếu đi vì nồng độ photpho trong máu tăng cao, nồng độ canxi giảm xuống, dẫn đến cơ thể phải lấy canxi trong xương để đưa vào máu, làm cho xương bị yếu và dễ gãy.
Bệnh tim cũng là một biến chứng có thể gặp phải khác. Nếu thận hoạt động không tốt, hệ thống hormone điều hòa huyết áp buộc phải làm việc nhiều hơn để tăng lượng máu cung cấp cho thận. Lúc này, tim phải làm việc vất vả hơn, dẫn đến bệnh tim. Ngoài ra, người bệnh có thể bị tích nước, làm tim đập nhanh, sưng phù chân hoặc bị tăng kali, dẫn đến đau tim, thậm chí là tử vong...
Bác sĩ Phương Dung chia sẻ thêm, vì chưa có phương pháp điều trị dứt điểm suy thận nên việc điều trị chỉ tập trung vào kiểm soát triệu chứng, giảm biến chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Ba phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay là lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo và ghép thận. Trong đó, lọc màng bụng là phương pháp lọc máu sử dụng lớp màng lót tự nhiên của cơ thể nằm trong ổ bụng để lọc máu. Phương pháp thứ hai là chạy thận nhân tạo. Ở cách điều trị này, người bệnh sẽ lọc máu thông qua máy chạy thận bên ngoài cơ thể.
Chạy thận nhân tạo được tiến hành 3 lần mỗi tuần, mỗi lần tối thiểu 4 giờ. Phương pháp điều trị cuối cùng là ghép thận. Bác sĩ sẽ chỉ định ghép thận trong trường hợp tình trạng suy thận đã phát triển đến giai đoạn cuối, khi những phương pháp lọc máu ngoài màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo không còn hiệu quả. Tuy nhiên cả 3 phương pháp này đều có những hạn chế ở người cao tuổi nên cách tốt nhất là phòng ngừa tránh để suy thận nặng phải điều trị thay thế thận.
Phi Hồng