Trả lời:
Không riêng gì mổ tim mà trong mọi ca phẫu thuật, bệnh nhân đái tháo đường đều phải đối mặt với nhiều rủi ro trong và sau mổ hơn so với người bình thường. Những rủi ro này bao gồm:
Hạ đường huyết: Bệnh nhân phải nhịn ăn uống từ 6-8 giờ trước phẫu thuật. Vì thế, nguy cơ hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường là rất cao nếu không được theo dõi và điều chỉnh liều insulin.
Nhiễm trùng: Đường huyết tăng cao, miễn dịch thấp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh nhiều hơn.
Vết thương lâu lành: Khi đường máu cao không kiểm soát, cộng thêm nguy cơ nhiễm trùng cao là nguyên nhân làm cho vết thương lâu lành và dễ bị hoại tử.
Bố bạn bị đái tháo đường nhiều năm nay. Ông vẫn có thể tiến hành phẫu thuật thay van tim. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro, ông cần kiểm soát tốt chỉ số đường huyết trước khi mổ, đồng thời duy trì chế độ ăn giàu protein (có nhiều trong trứng, ức gà, yến mạch, phô mai, sữa, cá ngừ...). Protein là thành phần quan trọng giúp vết thương nhanh lành, mô khỏe hơn tại vị trí phẫu thuật, tăng khả năng chịu đựng ca mổ của cơ thể.
Bên cạnh đó, bạn nên khuyến khích bố tập thể dục thường xuyên để tăng đề kháng, giúp cơ thể nhanh hồi phục. Gia đình cũng cần động viên ông giữ tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng vì nếu căng thẳng cả về thể chất (trải qua ca phẫu thuật) lẫn cảm xúc (lo lắng, hồi hộp) đều có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến cuộc mổ gặp phải nhiều nguy cơ hơn.
Cuối cùng, nếu bố bạn uống rượu hoặc hút thuốc lá, cần ngừng ngay. Việc kiêng rượu bia sẽ giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Trong khi đó, bỏ hút thuốc giúp quá trình hô hấp diễn ra dễ dàng, rút ngắn thời gian cai máy thở sau mổ.
Sau mổ đường huyết thường dao động nhiều do bệnh nhân chưa ăn uống được như bình thường, hay nôn ói, ít vận động, một số người còn bị stress. Do đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi, kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Tùy từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ có biện pháp duy trì chỉ số đường huyết trong ngưỡng cho phép.
Sau ca mổ tim, người bệnh đái tháo đường thường mất nhiều thời gian hồi phục hơn so với người không có bệnh lý nền. Do đó, bạn và gia đình cần chuẩn bị tinh thần để chăm sóc bố dài ngày. Trong thời gian này, bạn phải chú ý các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, vết mổ có màu đỏ, nóng khi chạm vào, sưng tấy, đau hơn hoặc rỉ dịch... Khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần thông báo cho bác sĩ để được xử trí ngay.
Ngoài ra sau mổ, người bệnh nên đi lại nhẹ nhàng, thường xuyên xoay trở, vận động ngay cả khi nằm trên giường. Nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị mất cảm giác ở các ngón chân và ngón tay nên không thấy đau do vết loét. Việc vận động sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ lở loét da.
Quan trọng nhất là sau khi bố bạn xuất viện, bên cạnh việc tuân thủ lịch tái khám và uống thuốc theo toa, cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Điều này giúp duy trì được hiệu quả ca phẫu thuật, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM