Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh đặc trưng bởi sự lưu thông luồng khí thở ra không có khả năng phục hồi hoàn toàn. Sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với bụi hoặc khí độc hại.
Nguyên nhân chính gây nên COPD là thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ bao gồm ô nhiễm không khí, khói và bụi công nghiệp, gen, tuổi, giới tính, sự tăng trưởng và phát triển của phổi, tăng kích ứng đường thở, viêm nhiễm đường thở.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương- Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết các thiếu hụt về dinh dưỡng sẽ gây ảnh hướng đến khối cơ, mô mỡ, khối xương và giảm chức năng hô hấp, khiến người bệnh suy kiệt. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch, tăng nhiễm trùng, khiến triệu chứng bệnh nặng hơn.

Người mắc COPD cần hạn chế nội tạng động vật, da của thịt gia cầm... Ảnh: Freepik
Dưới đây là các thực phẩm nên ăn và nên hạn chế ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thực phẩm nên ăn: Ưu tiên lựa chọn và ăn đủ thực phẩm có nguồn gốc đạm động vật chứa acid amin như thịt lợn nạc, bò, gà, cá, trứng, thủy hải sản... Sử dụng các loại dầu như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương, hạt nhiều nhiều omega-3 như hạt óc chó, hạt macca, hạt điều.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên ưu tiên chọn thực phẩm giàu canxi như sữa không đường tách béo, tôm, cá ăn cả xương... Nên ăn các loại rau xanh, màu đậm, trái cây giàu vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ hòa tan. Người bệnh uống đủ nước khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày.
Để bảo tồn khối nạc trong cơ thể, lượng protein trong khẩu phần ăn của người bệnh cần chiếm khoảng 20% tổng năng lượng, dao động trung bình khoảng 1,2-1,7 g/kg cân nặng thực tế mỗi ngày.
Các acid béo omega 3 (có nhiều trong cá mỡ) được biết đến với khả năng chống viêm và có hiệu quả nhất định đối với bệnh nhân COPD. Các vitamin C, D, E chống oxy hóa mạnh, có lợi cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, một chế độ ăn giàu magie và canxi cũng góp phần quan trọng cho tình trạng co cơ và giãn cơ hô hấp ở người COPD.
Thực phẩm nên tránh: hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như nội tạng động vật (óc, gan, cật, tim...), mỡ động vật, các loại da của gia cầm như da già, da vịt, ngan... Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế thực phẩm sinh hơi như dưa, cà muối, hành tây...
Gia đình cần chế biến thức ăn đa dạng để bệnh nhân ăn ngon. Hướng dẫn người bệnh cách giúp tăng cảm giác ngon miệng, ăn các thức ăn ít mùi, ăn ở phòng ăn thông thoáng, nhai kỹ...
Để phòng ngừa sặc khi ăn cần phối hợp nhịp nhàng giữa thở và nuốt, tư thế ngồi ăn hợp lý, có tựa lưng và đầu. Ở bệnh nhân nặng, nếu ăn không đủ qua đường miệng thì cân nhắc cho người bệnh ăn qua ống thông bằng súp dinh dưỡng hoặc truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý chung trong chế độ dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD là phòng ngừa sụt cân, mất khối nạc, giúp cải thiện sức mạnh cơ hô hấp, cơ liên sườn, ổn định cân nặng.
Người bệnh COPD thường giảm lượng ăn vào, có hiện tượng đau đầu vào buổi sáng do thiếu oxy máu, do đó cần thức ăn phù hợp. Người bệnh cũng thường có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, khó nhai, khó nuốt do khó thở, táo bón, cần chọn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan hỗ trợ tiêu hóa.
Bác sĩ Trà Phương lưu ý thêm, chế độ dinh dưỡng của người bệnh COPD không nên cung cấp quá nhiều năng lượng (Kcal) mà cần cân đối dựa vào nhu cầu chuyển hóa, tiêu hao năng lượng. Mục đích nhằm đảm bảo bệnh nhân có BMI đạt chuẩn.
Thư Nguyễn