Trả lời:
Hóa trị là sử dụng các loại thuốc nhằm phá hủy tế bào ung thư, ngăn chặn các tế bào này phát triển, phân chia và xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là một trong những liệu pháp điều trị ung thư phổ biến, bên cạnh các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp trúng đích.
Quá trình hóa trị có nguy cơ làm tổn thương đến tế bào khỏe mạnh gây một số tác dụng phụ. Sau hóa trị, người bệnh thường khó ăn uống do đau miệng, buồn nôn, nôn ói, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy. Tình trạng kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng, tăng nặng tình trạng suy mòn khối cơ, giảm sức đề kháng, sức khỏe tổng thể, dễ đồng mắc hoặc tăng nặng các bệnh truyền nhiễm, mạn tính.
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh hóa trị ung thư cần đảm bảo cung cấp đầy đủ, cân đối chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Mục đích nhằm duy trì mức năng lượng cơ bản của cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng và các tình trạng cấp tính. Đồng thời, tăng tốc độ phục hồi vết thương, khả năng chống chịu các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị.
Người bệnh sau hóa trị nên chia nhỏ các bữa ăn (khoảng 5-6 bữa) để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, tránh tình trạng mau no, giảm buồn nôn, nôn ói. Lựa chọn thực phẩm được chế biến mềm, dễ tiêu hóa, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp, sữa, sinh tố trái cây, giúp người bệnh dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Tránh thực phẩm cứng, quá nhiều gia vị, chiên xào, dễ gây nôn ói cho người bệnh.
Giai đoạn đầu sau hóa trị, người bệnh còn mệt, nôn ói nhiều, ăn uống kém, nên ưu tiên sử dụng chất đạm, đường, béo, tránh sử dụng quá nhiều rau xanh, trái cây gây cảm giác mau no. Khi sức khỏe được cải thiện, người bệnh nên tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa như carotenoid, lycopene, resveratrol. Chúng hỗ tăng cường sức khỏe tổng thể, góp phần trung hòa các gốc tự do để bảo vệ tế bào khỏe mạnh.
Sau hóa trị, người bệnh ung thư thường bị mất nước do nôn ói hoặc tiêu chảy, uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 40 ml/kg trọng lượng cơ thể) bằng cách bổ sung nước lọc, nước trái cây hoặc nước canh. Tránh uống nước quá nhiều trong bữa ăn có thể gây no, làm giảm ăn các thực phẩm giàu đạm, đường, béo.
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh hóa trị ung thư còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể, bệnh nền đồng mắc, cơ địa. Chồng bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc đi khám dinh dưỡng để được tư vấn, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất.
Chồng bạn có thể xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết cơ thể đang thiếu hoặc thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.
BS.CKI Nguyễn Thị Hồng Sâm
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM