Ảnh hưởng của thiếu ngủ đến khả năng sinh sản
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian, chất lượng giấc ngủ và khả năng sinh sản ở cả hai giới. Giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai theo nhiều cách khác nhau, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tác động đến sự sản xuất hormone.
Trong quá trình ngủ, một phần của não sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra các hormone như melatonin hoặc cortisol giúp điều hòa nhịp sinh học thức-ngủ. Phần não này cũng tham gia vào quá trình giải phóng hormone sinh dục ở cả hai giới. Việc thiếu ngủ kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động của não, từ đó làm giảm lượng hormone sinh dục trong cơ thể.
Tình trạng thiếu ngủ cũng báo hiệu cho cơ thể sản xuất thêm nhiều hormone căng thẳng. Yếu tố này có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể và làm giảm nồng độ estrogen, testosterone cũng như các hormone sinh dục khác. Nhịp sinh học thức-ngủ còn liên quan đến quá trình sản xuất các hormone có vai trò kích thích rụng trứng ở phụ nữ và quá trình trưởng thành của tinh trùng ở nam giới.
Đối với phụ nữ, thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải phóng hormone luteinizing hoặc hormone kích thích rụng trứng LH, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt. Kinh nguyệt không đều khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc dự đoán ngày rụng trứng và ảnh hưởng đến quá trình thụ thai. Ở nam giới, việc thiếu ngủ tác động tiêu cực đến quá trình trưởng thành của tinh trùng và gây ra nhiều dị dạng. Tinh trùng không khỏe mạnh sẽ gặp khó khăn khi di chuyển hoặc không có khả năng thụ tinh với trứng. Nếu may mắn được thụ tinh, phôi cũng thường yếu, dị dạng hoặc khó sống sót.
Việc thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc lâu ngày cũng gây ảnh hưởng đến tâm trạng và tinh thần. Người bị thiếu ngủ thường xuyên sẽ dễ cáu gắt, khó chịu, mệt mỏi và có thể giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, ngủ không ngon giấc cũng làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, béo phì và khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn.
Cách cải thiện chất lượng giấc ngủ
Theo các chuyên gia sức khỏe, một người cần ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để duy trì nồng độ hormone sinh dục ổn định, tăng ham muốn tình dục và cải thiện khả năng thụ thai. Dưới đây là một số cách giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Ngủ đúng giờ: Tùy vào công việc và các hoạt động hàng ngày mà mỗi người sẽ có thời gian ngủ khác nhau. Tuy nhiên, nếu có thể, hãy cố gắng ngủ trước 10 giờ tối và duy trì thời gian ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, mọi người nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời gian mỗi ngày, kể cả cuối tuần.
Tránh tiêu thụ caffeine trước khi ngủ: Caffeine là một trong những tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị mọi người, nhất là những người dễ bị mất ngủ, cần tránh tiêu thụ caffeine ít nhất 4-6 giờ trước khi đi ngủ. Người đang cố gắng mang thai cũng cần hạn chế tiêu thụ caffeine và rượu bia hoặc chỉ nên sử dụng với mức độ vừa phải.
Thư giãn tinh thần: Việc thực hiện các hoạt động gây căng thẳng đầu óc như làm việc, xem phim kinh dị, đọc sách ngay trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Thay vào đó, hãy dành thời gian để thư giãn tinh thần bằng các hoạt động như thiền, hít thở hoặc yoga để ngủ ngon hơn.
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử: Việc sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ khiến mọi người có xu hướng ngủ trễ hơn, từ đó làm giảm thời gian ngủ. Các thiết bị này cũng gây ảnh hưởng đến não bộ và khiến người dùng khó đi vào giấc ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử còn làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone melatonin, ảnh hưởng đến nhịp sinh học bình thường và gây mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
Tạo không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, ít ánh sáng: Mọi người nên cố gắng giữ không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái. Người khó ngủ nên tắt hết đèn hoặc sử dụng các loại đèn có công suất thấp vào buổi tối để giúp dễ ngủ hơn.
Dành thời gian hoạt động ngoài trời: Dành khoảng 1 giờ hoạt động ngoài trời mỗi ngày sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp mọi người dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
Phương Quỳnh (Theo Verywellfamily, Carolinas Fertility Institute)