Ngày 20/8, ThS.BS.CKI Hồ Văn Hữu, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thường xuyên điều trị cho người bệnh viêm tai do những thói quen xấu như sử dụng dụng cụ lấy ráy tai chung với người khác, không được tiệt trùng tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập, phát triển trong ống tai... Các vật dụng cứng, sắc nhọn dễ làm xước, rách, tổn thương lớp da mỏng bên trong ống tai.
Ráy tai có tác dụng bảo vệ lớp da tai mỏng bên trong cũng như kháng nước, kháng khuẩn, nấm, côn trùng bò vào trong tai. Tự lấy ráy tai còn có thể đẩy ráy, chất bẩn và vi khuẩn sâu hơn vào ống tai thay vì loại bỏ. Ráy tích tụ gây tắc nghẽn, tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, dẫn đến đau nhức, sưng tấy, chảy dịch. Lấy ráy tai nhiều lần một ngày, quá thường xuyên dễ làm mất lớp bảo vệ tự nhiên của ống tai, khiến tai dễ nhiễm trùng hơn, nhất là với người có bệnh sử viêm tai.
Như anh Tấn, 32 tuổi, có thói quen lấy ráy tai mỗi lần cắt tóc vì thoải mái, dễ chịu. Một tuần trước, sau khi cắt tóc, ngoáy tai ở tiệm, anh đau nhức tai, kèm theo ngứa. 7 ngày sau, tai của anh sưng đỏ, chảy dịch, đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ Hữu cho biết anh Tấn bị viêm tai có thể do vi khuẩn từ dụng cụ vệ sinh tai đã xâm nhập vào tai gây nhiễm trùng.
Người bệnh được vệ sinh làm sạch ống tai, loại bỏ dịch tiết, kê thuốc và hẹn tái khám. Sau hai tuần, anh hết triệu chứng viêm tai và được bác sĩ khuyến cáo hạn chế lấy ráy ở tiệm cắt tóc và không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai với người khác.
Tương tự, chị Lê, 25 tuổi, có thói quen ngoáy tai hai lần mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào cảm thấy ngứa. Chị dùng tăm bông, nếu không có thì dùng bút viết, tăm xỉa răng, ngón tay... Hai tuần trước, trong một lần ngoáy tai bằng vật kim loại, chị vô tình bị tác động mạnh, khiến dụng cụ bị đẩy vào sâu. Ban đầu, tai chỉ hơi đau nhưng vài ngày sau tăng nặng, chảy dịch, khó nghe.
Kết quả nội soi tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy màng nhĩ còn nguyên vẹn, tai nhiễm trùng gây viêm sưng tấy. Bác sĩ Hữu chẩn đoán chị Lê bị viêm tai ngoài cấp tính do vi khuẩn gây ra. Người bệnh có tiền sử viêm tai nên dễ nhiễm trùng hơn so với người khác.
Viêm tai ngoài chưa biến chứng, thường khỏi trong 10 ngày nếu điều trị đúng cách. Viêm tai ngoài cấp tính không được điều trị đầy đủ, đúng cách gây viêm tai ngoài mạn tính, kéo dài hơn 3 tháng hoặc tái phát hơn 4 lần trong năm. Chị Lê được điều trị nội khoa, các triệu chứng cải thiện sau hai tuần.
"Thói quen dùng vật dụng bất kỳ để ngoáy tai quá thường xuyên rất nguy hiểm", bác sĩ Hữu nói, thêm rằng nhiều trường hợp vào viện thì ống tai đã bị chảy máu, thủng màng nhĩ, điếc...
Bác sĩ Hữu khuyến cáo mọi người không lấy ráy tai mỗi ngày. Ráy tai tự khô và bong tróc ra ở tai ngoài. Khi tắm gội, nếu nước không may vào tai thì chỉ cần nghiêng tai, dùng tăm bông thấm cửa tai để sạch nước, nước đọng sẽ tự khô. Làm sạch ống tai đúng cách để bảo vệ tai ngoài, ngăn ngừa suy giảm thính lực. Một số người có cơ địa ráy tai nhiều, lâu dần hình thành nút ráy tai cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ lấy ra đúng cách.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |