Đồng cảm với "Nỗi lo giảm lương giáo viên khi bỏ phụ cấp thâm niên", độc giả Hai chia sẻ câu chuyện của chính mình: "Vợ tôi làm giáo viên, năm nay gần 40 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ (đủ trình độ chọn học các ngành khác lúc học đại học). Nếu xét về mặt tài chính, đây là một sự lựa chọn sai lầm của vợ; xét cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc cũng là sai lầm; còn xét về cơ hội học tập, mở rộng quan hệ xã hội lại càng sai hơn.
Chỉ có điều duy nhất là vợ tôi vui với nghề vì cô ấy rất yêu thương và thích làm việc với trẻ con. Nói thật, với cách nhìn nhận của các cơ quan quản lý và xã hội hiện nay, người giỏi sẽ không chọn nghề giáo viên. Với riêng bản thân tôi, nếu bạn nào đã lỡ chọn nghề này mà không còn yêu nghề say đắm như vợ tôi, hãy thay đổi ngay khi có cơ hội công việc khác".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Papo bày tỏ nỗi trăn trở với đồng lương của giáo viên hiện nay: "Bố mẹ tôi cũng làm nghề giáo, đã có hơn 30 năm trong nghề và sắp đến tuổi nghỉ hưu. Dù là giáo viên nhưng cả hai người đều không hướng chị em tôi theo ngành, nối nghiệp. Trong ký ức của họ, cái thời đói khổ, lương tháng không mua nổi một nồi gạo, bố mẹ tôi phải quay qua làm thêm đủ nghề từ nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt, trồng trọt, buôn thuốc lào, buôn điếu cày, trồng hoa, cai xây dựng... chỉ mong cuộc sống bớt khó khăn, có của ăn của để mà vẫn không thấm vào đâu. Cuộc sống giáo viên ấy khiến cha mẹ tôi luôn đau đáu: "Các con đừng theo nghề giáo".
>> Lương giáo viên 20 năm không bằng bán hàng online
Chỉ ra những bất cập trong việc trả lương cho giáo viên, độc giả Thanh Y nhận định: "Những năm 1990 đến 2003 là thời kỳ ngành sư phạm 'có giá'. Nguyên nhân là ngày đó, so với mặt bằng chung, lương giáo viên khá cao. Nguyên nhân nhiều người giỏi thi sư phạm như ở quê tôi là:
1. Không mất học phí. Với những người ở quê, gia đình trông vào mấy sào ruộng, giảm được tiền học phí là rất tốt. Sinh viên sư phạm chỉ mất tiền trọ, đi học mỗi tháng chỉ cần mang theo bao gạo, thêm ít khoai, bí..., thỉnh thoảng gia đình gửi xe lên chút đồ ăn khô lên là qua được mấy năm sinh viên.
2. Sinh viên ra trường cũng dễ xin việc. Ngày đó, giáo viên còn thiếu nhiều do dân số tăng nhanh nên xin việc dễ hơn.
3. Mức lương giáo viên so với trồng lúa khá cao. So với mặt bằng chung, nhà giáo cũng đủ sống và thậm chí còn có dư. Họ chỉ cần đi dạy gần nhà, tối về nghỉ, ngày nghỉ có thể làm ruộng hay làm việc khác kiếm thêm thu nhập.
Vì những lý do trên mà nhiều sinh viên nhà nghèo, học giỏi đều đi theo nghề sư phạm. Thêm nữa, ngày đó, để thi vào đại học rất khó nên các lò luyện thi khá nhiều, tạo nhiều cơ hội dạy thêm cho giáo viên.
Còn bây giờ, so với mặt bằng chung, lương giáo viên khá thấp. Công nhân bình thường cũng kiếm được 5-7 triệu đồngmỗi tháng, tối về lại không phải soạn bài, chấm bài như giáo viên. Trong khi đó, giáo viên lại phải kiêm nhiệm đủ thứ. Lương thấp và cực khó xin việc, nên người giỏi không muốn học, người dốt cũng không thèm thi. Cuối cùng, dẫn đến điểm đầu vào ngành sư phạm giờ rất thấp.
Tôi thấy, bây giờ, gần như giáo viên đều phải làm thêm việc ngoài để tăng thu nhập. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản thì họ chỉ đủ sống là giỏi, không thể tích góp được chứ chưa nói đến mua đất, xây nhà. Trừ một số môn có thể dạy thêm, dạy ôn thi, còn lại, nhiều môn phụ giáo viên chủ yếu sống bằng đồng lương bèo bọt. Khi mà đồng lương còn thấp thì đừng nói đến các chuyện khác. Chúng ta cứ tăng lương cao lên, giáo viên ắt sẽ toàn tâm toàn ý cho giáo dục. Lúc đó mới nói đến chuyện tăng chất lượng dạy và học được".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.