Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đưa ra đề xuất cho phép người lao động thêm ngày nghỉ lễ 2/9 (từ hai lên bốn ngày) để cha mẹ đưa con đến trường. Tôi cho rằng, quan điểm này mang tính nhân văn và ý nghĩa cho ngành Giáo dục.
Xét về số ngày nghỉ lễ của Việt Nam, chúng ta đang có 11 ngày nghỉ trong năm, xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Điều đó cho thấy, chúng ta cần điều chỉnh tăng số ngày nghỉ cho phù hợp là điều nên làm, ít nhất là khoảng 15 ngày một năm. Tuy nhiên, chúng ta nên chọn các ngày nghỉ ra sao và như thế nào cho phù hợp với quốc gia là chuyện cần tính toán kỹ chứ không thể chọn đại hoặc gán ghép cho nó đủ số ngày để lấy chỉ tiêu theo quy định.
Bởi lẽ, ngày lễ phải mang tính bao quát và hài hòa giữa các yếu tố như: văn hóa, xã hội, kinh tế... Ngày nghỉ cũng phải phù hợp cho tất cả đối tượng, chứ không phải dành riêng hay ưu ái cho một nhóm ngành, đối tượng nào.
Tôi cho rằng, nghỉ lễ Quốc khánh như hiện nay là đủ, không cần thiết phải nghỉ thêm quá dài bởi sau lễ còn nhiều việc phải lo. Tâm lý du lịch của người dân cũng giảm bớt bởi đa số họ đã thực hiện trong hè. Việc đưa trẻ đến trường ngày nay cũng mang tính tượng trưng là chủ yếu. Kể cả lễ khai giảng các trường cũng tinh gọn dần vì đa số học sinh đã nhập học chính thức trước đó một tuần. Vấn đề nữa là giáo viên cũng cần nghỉ lễ như mọi người theo quy định.
Hiện nay, chúng ta nghỉ lễ 11 ngày gồm: Tết Dương lịch (một ngày), Tết Nguyên đán (năm ngày), giỗ tổ Hùng Vương (một ngày), ngày Thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động (hai ngày), Quốc khánh (hai ngày). Vậy có thể thêm ngày nghỉ lễ vào dịp nào?
>> Công ty tôi lãi lớn từ khi giảm giờ làm, tăng ngày nghỉ
Yếu tố chọn ngày nghỉ lễ: phải phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Việt, đa số người dân cùng hưởng lợi; phải mang ý nghĩa, nhân văn, giáo dục...; phải phù hợp với mọi lứa tuổi, thành phần, dân tộc...; phải mang tính đặc sắc, văn hóa riêng của quốc gia; phải đề cao lòng biết ơn các thế hệ đi trước.
Chọn ngày nghỉ thế nào? Như đã phân tích trên, nếu không đủ hội đủ các tiêu chí trên, đề nghị tăng thêm số ngày nghỉ vào các ngày nghỉ hiện tại cũng là một giải pháp hay. Tuy nhiên, chúng ta có ba kỳ nghỉ dài, đó là: Tết Nguyên đán, 30/4 - 1/5 và Quốc khánh. Trong đó, kỳ nghỉ quan trọng nhất vẫn là Tết Nguyên đán - ngoài việc tăng kích cầu mua sắm, tiêu dùng và du lịch, đó còn là dịp đoàn tụ, sum họp gia đình lớn nhất, ý nghĩa nhất trong năm. Thời tiết cũng là phù hợp cho việc du lịch để tăng trưởng kinh tế.
Suy cho cùng, Tết vẫn là ngày lễ mà người Việt bận rộn và cần thời gian nhất. Do đó, việc tăng ngày nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán là hợp lý nếu được bình xét trên mọi phương diện, so với các ngày lễ còn lại trong năm. Hiện nay, chúng ta nghỉ Tết năm ngày là quá ít, nếu được tăng lên bảy ngày sẽ phù hợp cho người lao động xa quê, giảm bớt áp lực cho việc đi lại.
Nghỉ Lễ dài ngày có làm kinh tế đi xuống? Đây là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn mỗi khi bàn đến chuyện tăng thêm ngày nghỉ. Nhưng tôi tin chắc rằng việc nghỉ lễ dài ngày không làm kinh tế suy yếu đi. Cũng như nếu giả sử không có kỳ nghỉ lễ thì chắc gì đã thúc đẩy kinh tế đi lên? Đơn cử trước đây chúng ta có thời kỳ chưa thực hiện nghỉ thứ bảy, tăng ca liên tục, làm cả chủ nhật... nhưng nền kinh tế vẫn vậy.
Muốn tăng giá trị sản xuất cần cải thiện máy móc thiết bị sản xuất và quản lý bố trí con người, chứ không phải tăng giờ công lao động như nhiều người nghĩ. Việc nghỉ lễ, Tết dài ngày còn thúc đẩy chi tiêu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa, du lịch, trao đổi, buôn bán sầm uất hơn... các ngành nghề thường có tính tương trợ bổ sung nhau cùng nhau phát triển, tạo ra việc làm bán thời gian cho một số lao động. Các nước giàu có trên thế giới đều chú trọng ngành dịch vụ, du lịch, mua sắm và chi tiêu chứ không phải duy nhất tập trung cho ngành sản xuất.
Tạo thương hiệu cho ngày Tết cổ truyền thế nào? Nếu Thái Lan có ngày Tết té nước và biến chúng thành lễ hội quy mô tầm cỡ thế giới nhằm thu hút du lịch... thì tại sao Việt Nam không thể làm điều tương tự? Chúng ta có nền văn hóa lâu đời 4.000 năm, nên có thể lồng ghép các sự kiện văn hóa, phong tục tập quán đẹp nằm thúc đẩy nó trở thành thương hiệu riêng, hiệu ứng riêng cho quốc gia.
Chúng ta có đầy đủ các danh lam thắng cảnh đẹp, nếu kết hợp những ngày hội, xây dựng cách làm bài bản thì việc tạo thương hiệu cho ngày Tết Việt Nam trở nên đặc sắc là điều hoàn toàn có thể. Đều đó sẽ thúc đẩy rất nhiều vào quá trình phát triển kinh tế, cũng như duy trì thế mạnh của một quốc gia.
- 'Ngày nghỉ so le để thuận lợi khám bệnh, làm thủ tục hành chính'
- Mắc kẹt trong vòng quay làm quần quật, nghỉ vội vàng
- 'Người Việt có quá ít kỳ nghỉ lễ dài ngày'
- Ngày nghỉ là điều xa xỉ với nhiều lao động Việt
- '12 ngày nghỉ phép một năm có như không'
- Sao phải cố dè sẻn ngày nghỉ Tết?