Hiện nay, theo quy định, chúng ta đang mặc định thứ bảy và chủ nhật là nghỉ của khối hành chính; bệnh viện chỉ có người trực cấp cứu hoặc khám dịch vụ; còn người lao động trong xí nghiệp thì chỉ có chủ nhật là ngày nghỉ cuối tuần. Thực tế đó dẫn đến bất cập là người làm hành chính muốn đi khám bệnh hưởng BHXH sẽ phải nghỉ tiếp công dân; bác sĩ, y tá muốn đi giải quyết thủ tục hành chính cũng phải xin nghỉ thăm khám bệnh nhân. Đặc biệt, người lao động trong xí nghiệp muốn làm thủ tục hành chính hoặc đi khám bệnh hưởng BHXH bắt buộc phải xin nghỉ làm trong tuần.
Dù Luật Lao động có quy định số ngày nghỉ phép năm, nghỉ ốm... cho người lao động, nhưng do sản lượng là thước đo để tính lương cho người lao động, hoặc nhiều doanh nghiệp sẽ trả cho người lao động lương phép nếu không dùng tới (thưởng chuyên cần) đến nhiều người chẳng muốn xin nghỉ nhiều. Trong khi đó, công chức dù không bị trừ lương, nhưng nếu nghỉ phép sẽ khiến hiệu quả công việc có phần bị ảnh hưởng và đôi khi bị lạm dụng, chiếm dụng thời gian công.
Câu hỏi đặt ra là: sẽ ra sao khi chúng ta bố trí ngày nghĩ giữa các khối này lệch nhau? Giả sử, hành chính làm việc từ chủ nhật đến thứ năm, bệnh viện làm việc từ thứ sáu đến thứ ba, doanh nghiệp làm việc từ thứ hai đến thứ bảy... Như vậy thứ sáu và thứ bảy, công chức sẽ có thể đi khám bệnh hưởng BHYT mà không cần xin nghỉ phép; công nhân có thể đi khám bệnh hoặc làm thủ tục hành chính vào chủ nhật mà không lo không có người làm việc; còn bác sĩ, y tá cũng dễ dàng đi làm thủ tục hành chính vào thứ tư và thứ năm. Khi đó, người lao động sẽ không phải nghỉ việc chỉ để giải quyết việc riêng nhiều như hiện nay.
Hiệu quả mang lại của giải pháp này trên các mặt sẽ rất lớn:
Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ duy trì lao động đứng máy ổn định, sắp xếp lao động dễ dàng hơn. Người lao động khối 48 giờ sẽ có thu nhập cao hơn khi không cần thiết quá thì họ cũng chẳng muốn xin nghĩ làm gì để mất ngày phép và sản lượng. Doanh nghiệp sẽ có sản lượng nhiều hơn trong khi hao phí điện chạy máy không đổi.
Thứ hai, hạn chế quá tải tại các bệnh viện, phân luồng đối tượng trong khám BHYT vào các ngày trong tuần, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận BHYT. Việc phân luồng đối tượng tương tự cũng sẽ diễn ra trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba, du lịch, hàng quán phát triển đều trong tuần khi từ thứ tư đến chủ nhật đều có nhóm lao động được nghỉ trong tuần. Từ đó, cũng bớt đi việc chênh lệch giá phòng nghỉ vào thứ bảy, chủ nhật với các ngày khác như hiện nay.
>> Mắc kẹt trong vòng quay làm quần quật, nghỉ vội vàng
Tất nhiên, việc này cũng sẽ tồn tại những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, nếu gia đình có lao động làm ở cả ba nhóm trên thì sẽ không có ngày nghỉ cùng nhau để đi du lịch cả gia đình. Giải pháp ở đây là có thể chọn một ngày mà ít người bị ảnh hưởng nhất, người còn lại có thể xin nghỉ phép.
Thứ hai, nếu con cái (còn nhỏ) nghĩ học thứ bảy và chủ nhật thì ai sẽ trông? Đây là một hạn chế lớn nhất của việc này. Với các gia đình có bố mẹ là công nhân sẽ không có xáo trộn gì. Với gia đình có bố mẹ đều là công chức cũng không quá phức tạp vì chỉ vướng ngày chủ nhật, ít nhất các bạn đã có một ngày thứ bảy với con cái (giống các công nhân hiện giờ). Riêng với gia đình có bố mẹ đều là y, bác sĩ sẽ là thiệt thòi nhất vì họ nghỉ vào ngày thứ tư và năm, nhưng con của họ lại nghỉ thứ bảy và chủ nhật, có lẽ sẽ cần có giải pháp bổ sung riêng cho nhóm này.
Tóm lại, phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm, tuy nhiên cái nào ưu điểm nhiều hơn, phù hợp hơn thì phải tùy bối cảnh mà áp dụng. Không có gì tuyệt đối cả, nhưng theo tôi cái được sẽ nhiều hơn mất khi áp dụng ngày nghỉ so le trong tuần. Giải pháp này mang lại hiệu quả cho số đông hơn vì vậy cần nghiên cứu. Cỗ máy kinh tế phải chạy đều trong tuần để ổn định hơn chứ không phải ngừng đồng loạt vào một ngày và khởi động lại như hiện nay.
Hành chính và bệnh viện hoạt động là để phục vụ người dân nhưng lại hoạt động vào ngày đa số người có nhu cầu đang phải làm việc trong các công trường nhà máy, việc này như kiểu một lớp học mở cửa đón học sinh vào thứ bảy vậy. Phải thay đổi để hợp lý hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.