"Năm 2017, tôi thực hiện việc cải thiện năng lực sản xuất cho một công ty sản xuất nhựa. Công ty đó làm việc ba ca, mỗi ca 18 người làm, cứ sáu ngày đổi ca một lần và được nghỉ vào ngày đổi ca đó.
Tôi theo dõi các ca đêm và thấy rằng, chỉ từ đêm đầu tiên tới đêm thứ tư là công nhân làm việc ổn định. Còn sang đêm thứ năm là công nhân bắt đầu làm việc mất tập trung, sản phẩm hư hỏng rất nhiều. Tới đêm thứ sáu thì công việc gần như hoàn toàn không có hiệu quả, sản phẩm hư hỏng còn nhiều hơn nữa.
Tôi nhận ra một số công việc tốn nhiều nhân lực hoàn toàn có thể thay thế bằng các thiết bị máy móc tự động. Tổng chi phí thiết bị phải đầu tư thêm là 300 triệu đồng, ước tính bằng tiền lương một năm trả cho bốn công nhân thời điểm đó. Nhưng bù lại, các thiết bị này có thể hoạt động được liên tục trong bảy năm và thay thế được cho khoảng 10 lao động. Như vậy là hiệu suất làm việc sẽ được tăng lên.
Tôi cũng để xuất cho người lao động chỉ làm việc liên tục trong năm ngày, mỗi tuần họ sẽ được nghỉ hai ngày thay vì chỉ một như trước. Kết quả, tôi thấy sản lượng gần như không đổi, trong khi tỷ lệ sản phẩm hư hỏng giảm đi đáng kể.
>> '10 năm đi làm không dám nghỉ phép một ngày nào'
Tới năm 2018, khi một số lao động già đến tuổi nghỉ hưu, xin nghỉ việc. Dù số lượng lao động giảm đi nhưng những người còn lại vẫn có thể hoàn thành được khối lượng công việc như trước đó. Vậy là tôi đề công ty nghị thực hiện gói lương sản xuất theo tỷ lệ sản lượng, chia đều cho người lao động. Số người càng giảm đi thì những người còn lại sẽ hưởng lương càng cao. Nhờ đó, họ chăm chỉ làm việc, năng suất cao hơn hẳn.
Cho đến khi mỗi ca chỉ còn 12 người, bắt đầu xảy ra hiện tượng quá tải, tôi mới tuyển dụng bổ sung thêm. Như vậy, sau một năm, số người lao động trong công ty giảm đi 30%, tiền lương của mỗi người tăng thêm 15%, lại được nghỉ thêm 45 ngày trong năm, nhưng sản lượng sản xuất vẫn không đổi. Chủ doanh nghiệp có lợi nhuận tốt hơn nhiều so với trước khi thực hiện cải thiện".
Đó là chia sẻ của độc giả Quang Tan sau bài viết "Suy nghĩ sai lầm 'người Việt năng suất thấp nên phải nghỉ ít, làm nhiều'". Theo dữ liệu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ. Số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam, 11 ngày, ở nhóm nước trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đề xuất giảm giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.
- Mắc kẹt trong vòng quay làm quần quật, nghỉ vội vàng
- Thêm hai ngày nghỉ Quốc Khánh
- 'Người Việt có quá ít kỳ nghỉ lễ dài ngày'
- Ngày nghỉ là điều xa xỉ với nhiều lao động Việt
- '12 ngày nghỉ phép một năm có như không'
- 'Người Việt cần thêm ngày nghỉ'