Hai năm nay, tôi đi làm ở hai nơi. Công việc có lúc nặng lúc nhẹ, nhưng điểm chung là đều không có ngày nghỉ. Năm 2020, tôi được nhận vào làm việc với mức thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng. Ban đầu, sếp nói với tôi rằng sẽ được nghỉ vào cuối tuần (cứ hai tuần sẽ được nghỉ một lần như vậy). Tuy nhiên, sau khi làm việc hết sáu ngày đầu tiên, tôi mới phát hiện ra rằng nơi này không có ngày nghỉ. Tôi liền hỏi lại sếp và nhận được câu trả lời rằng: "Ở đây ai cũng vậy hết, em không nên đòi hỏi".
Tôi vẫn tiếp tục làm việc do được nhiều đồng nghiệp đi trước động viên, đánh giá cao năng lực. Nhưng đó chỉ là khoảng thời gian đầu, về sau, mọi chuyện thật khủng khiếp. Mỗi ngày, tôi phải làm cả sáng lẫn đêm. Đôi khi tôi làm xong nhiệm vụ, muốn nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng chỉ được vài tiếng là sếp lại giao thêm việc cho làm.
Có lần, vì cảm thấy quá tải và sức khỏe suy kiệt, tôi phải xin nghỉ vài ngày để sạc lại năng lượng. Ban đầu, sếp cũng đồng ý cho tôi nghỉ cả tuần, thậm chí đến 10 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, sếp lại nhắn tin hỏi "Em muốn tiếp tục làm việc nữa không, để anh kiếm người khác?". Tôi làm việc ở đây được năm tháng rồi quyết định xin nghỉ việc vì không chịu nổi việc bị bóc lột đến kiệt sức.
Do sở hữu được một số tiền kha khá, nên tôi quyết định nghỉ ngơi một thời gian để nạp năng lượng và tranh về thăm gia đình, bạn bè. Giữa năm nay, tôi lại xin vào làm trong một doanh nghiệp khác. Thay vì đề cập đến vấn đề lương thưởng, điều đầu tiên tôi hỏi người quản lý ở đây là thời gian nghỉ ngơi. Bên tuyển dụng nói rằng sẽ xoay ca vào dịp cuối tuần, mỗi người sẽ được nghỉ hai ngày chủ nhật trong tháng.
>> '12 ngày nghỉ phép một năm có như không'
Thế nhưng, đến khi vào làm chính thức, chuyện nghỉ ngơi lại khiến tôi phải đau đầu. Cuối tuần nào tôi cũng phải đi làm, và các đồng nghiệp khác cũng vậy. Sau đó, tôi tìm hiểu và biết rằng mình sẽ chỉ được nghỉ bù vào buổi sáng thứ hai (buổi chiều vẫn đi làm). Lý thuyết là vậy chứ thực tế tôi đâu có được nghỉ đúng nghĩa khi đồng nghiệp vẫn liên tục nhắn tin, nói tôi nộp file, giấy tờ, video... Sếp cũng nhắn tin để giao việc làm ở nhà, chuẩn bị cho buổi chiều đi làm việc.
Nơi này dù khối lượng công việc nhẹ nhàng hơn chỗ cũ, nhưng tôi bị gò bó ở khoản điểm danh. Từ thứ hai đến thứ bảy, tôi phải check-in lúc 7h30 sáng và check-out lúc 17h. Có những ngày giữa tuần, tôi không có nhiệm vụ, nhưng vẫn phải lên văn phòng để điểm danh và ngồi chơi cho đến hết ngày. Nếu được ở nhà, tôi có thể làm được rất nhiều việc có giá trị trong khoảng thời gian ấy.
Ngoài ra, ở đây tôi còn phải làm việc vào buổi tối. Tất nhiên, làm buổi tối hay làm vào cuối tuần cũng sẽ có thêm khoản tiền ngoài giờ. Dù mang tiếng là tự nguyện, nhưng tôi đâu có được tự quyết định làm hay nghỉ. Khi hỏi sếp, tôi cũng nhận được câu trả lời như ở công ty cũ, đó là: "Ở đây ai cũng vậy, em không nên đòi hỏi quá đáng".
Sau một thời gian đi làm và hỏi thăm bạn bè của mình, tôi cảm thấy người lao động Việt Nam dường như không có ngày nghỉ. Nếu có ngày nghỉ thì thực tế cũng chỉ là chuyển việc từ công ty về nhà. Bạn bè của tôi vẫn trách tôi hiếm khi gặp họ, chỉ lo kiếm tiền, nhưng đâu ai hiểu nỗi buồn này. Nhiều lúc, tôi cũng muốn nghỉ việc, nhưng bài toán "cơm áo gạo tiền" cứ quanh quẩn khiến bản thân mệt mỏi cũng phải cố làm. Bạn có đang rơi vào tình cảnh như tôi không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.