Nga đã để mất 6.000 km2 lãnh thổ kiểm soát ở khu vực đông bắc Ukraine chỉ hơn một tuần sau khi Kiev phát động chiến dịch phản công chớp nhoáng. Cục diện chiến trường hiện nay đang đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thế khó, khi ông phải đối mặt với trở ngại trong nỗ lực tăng quân số và khí tài để bù đắp cho những tổn thất sau gần 7 tháng xung đột.
Michael Kofman, nhà phân tích quân sự Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA, trụ sở ở Virginia, Mỹ, nhận định những thất bại liên tiếp gần đây của Nga trên các mặt trận xung quanh tỉnh Kharkov cho thấy nhiều vấn đề về cơ cấu binh lực và tinh thần chiến đấu sa sút trong quân đội Nga, vốn đã bị kéo căng quá mức trên chiến tuyến quá dài tại Ukraine.
"Chiến lược của quân đội Nga ở Ukraine về cơ bản là không bền vững" khi phải liên tục chiến đấu trong thời gian dài, ông nói. "Các lực lượng Nga phải đối mặt với tình trạng kiệt quệ, dồn nén, trong khi hiệu quả chiến đấu ngày càng suy giảm".
Kofman cho rằng sắc lệnh tăng quy mô quân đội mà Tổng thống Putin ký hồi tháng trước có thể tạo ra khác biệt nhất định vào năm sau, nhưng Nga vẫn thiếu lực lượng trong ngắn hạn để bảo vệ những vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở miền nam Ukraine. Trong khi đó, họ vẫn chịu áp lực phải duy trì đà tiến công ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Trung tướng Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, đánh giá các lực lượng Nga đã đạt đến ngưỡng mà nhà lý luận quân sự nổi tiếng Carl von Clausewitz gọi là "điểm cực hạn", thời điểm lực lượng tấn công không thể tiến xa hơn được nữa.
Hodges cho rằng chiến thuật của quân đội Ukraine, trong đó có nỗ lực "tung hỏa mù" nhằm đánh lừa Nga điều các đơn vị mạnh nhất khỏi Kharkov, cũng góp phần không nhỏ dẫn tới cục diện hiện nay.
"Những gì đang diễn ra là kết quả từ nhiều tháng nỗ lực hết mình, lên kế hoạch và chuẩn bị của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, nhằm phá vỡ hậu cần Nga, phá hủy các sở chỉ huy, pháo và kho đạn, khiến họ suy yếu và dễ dàng bị phản công", Hodges nói.
Sau khi giành lại phần lãnh thổ rộng lớn ở Kharkvo, trọng tâm chiến dịch của quân đội Ukraine giờ đây có thể sẽ hướng tới Kherson, tỉnh bị chiếm đóng ở phía nam đất nước, nơi các lực lượng Nga đang ra sức bảo vệ. Giới phân tích cho hay Nga đã điều động các đơn vị tinh nhuệ nhất đến khu vực, điều có thể gây không ít khó khăn cho Ukraine.
"Điều tiếp theo mà Nga muốn làm là đảm bảo mọi thứ không sụp đổ ở Kherson", Dara Massicot, nhà phân tích quân sự Nga tại trung tâm nghiên cứu RAND, nói. "Tôi nghĩ họ sẽ rất khó phục hồi nếu chịu hai thất bại nhanh chóng liên tiếp".
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 12/9 cho hay các chỉ huy quân sự Nga đã đình chỉ kế hoạch triển khai các đơn vị mới thành lập vào lãnh thổ Ukraine, do nhiều binh sĩ từ chối tham chiến. Tại một số khu vực, dân quân ly khai cũng được cho là từ chối tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy Nga. Massicot nhận định đây là dấu hiệu cho thấy "cách quản lý lực lượng chiến đấu khá cứng nhắc và áp đặt" của Nga.
Giới chức Mỹ dự đoán việc Nga thất bại ở đông bắc Ukraine "chỉ là vấn đề thời gian" bởi Điện Kremlin suốt nhiều tháng qua cho thấy họ không thể tổ chức, chỉ huy, trang bị và duy trì lực lượng một cách hiệu quả trên chiến trường. Trái lại, Ukraine đang ngày càng nhận được nhiều vũ khí hơn từ phương Tây.
Quân đội Nga đã mắc phải tất cả những sai lầm mà giới lãnh đạo của họ không nhìn thấy và lẽ ra phải nhận thức được "ngay từ đầu cuộc xung đột", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay.
"Một thế trận phòng thủ vững chắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng tác chiến của binh sĩ hay năng lực hậu cần và chỉ huy. Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy rạn nứt trong tất cả các yếu tố đó và chúng lặp lại ngày càng nhiều ở miền đông", ông này nói thêm.
Rút lui vội vã khỏi Kharkov, quân đội Nga cũng phải trả giá bằng những thiết bị quân sự quan trọng khó thay thế. Quân đội Ukraine tuyên bố Nga mất 555 phương tiện, khí tài các loại khi rút quân khỏi Kharkov sau đợt phản công từ ngày 6/9 tới 13/9, trong đó có nhiều xe tăng, thiết giáp, pháo.
Các quan chức Mỹ ước tính Nga đã hứng chịu 80.000 thương vong kể từ tháng hai, trong đó hơn 15.000 người chết. Nga không bình luận về con số này, nhưng không cung cấp số liệu cập nhật về thương vong trên chiến trường.
Theo Nhóm Tình báo Xung đột (CIT) chuyên phân tích về quân sự, có trụ sở ở Tbilisi, Gruzia, thiệt hại về khí tài và nhân lực của Nga nghiêm trọng đến mức họ đã hạ đánh giá năng lực chiến đấu của quân đội Nga ở Ukraine từ "có khả năng tấn công" xuống "có khả năng phòng thủ hạn chế".
Đặc biệt, những thành công Ukraine đạt được ở Kharkov đã cho thấy điểm yếu của Quân đoàn 11 và Sư đoàn Tăng Cận vệ số 1, hai trong số những "quả đấm thép" của quân đội Nga.
"Trước đây, chúng tôi không dám chắc về những thông tin tình báo mình có rằng tình trạng thiếu khí tài hay lơ là của chỉ huy ở các đơn vị là vấn đề mang tính hệ thống trong quân đội Nga", Ruslan Leviev, chuyên gia từ CIT, cho biết hôm 12/9. "Nhưng thực tế cho thấy Quân đoàn 11 hoàn toàn không có khả năng bảo vệ tiền tuyến".
Theo CIT, Quân đoàn 11 là lực lượng chính của Nga ở Kharkov đối phó đợt phản công của Ukraine, nhưng họ không thể tác chiến độc lập trong thời gian tới, vì đã bị tiêu hao đáng kể lực lượng sau hàng loạt cuộc phản công của Kiev.
Chiến dịch phản công "cũng cho thấy cơ cấu tổ chức của Sư đoàn Tăng Cận vệ số 1 đã hoàn toàn bị phá vỡ do thương vong lớn và thời gian chiến đấu kéo dài", Leviev nói, thêm rằng việc hai đơn vị này thiệt hại nặng là "một tổn thất nghiêm trọng đối với quân đội Nga".
Sư đoàn Tăng Cận vệ số 1 được coi là lực lượng tinh nhuệ, "có nhiệm vụ bảo vệ Moskva và thường dẫn đầu các cuộc phản công trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga với NATO", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo tình báo ngày 13/9.
Tuy nhiên, CIT cho biết lực lượng xe tăng này đã chịu tổn thất lớn kể từ tháng hai, buộc Bộ Quốc phòng Nga phải bổ sung quân từ các đơn vị khác để duy trì hoạt động, khiến khả năng tác chiến suy giảm đáng kể.
"Nga không còn đủ khả năng để giành lại các vị trí đã mất", CIT nhận định, song lưu ý rằng Moskva vẫn có thể duy trì được khả năng bảo vệ các vị trí hiện có của mình xung quanh Kherson.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích và cả quan chức Mỹ cũng tỏ ra thận trọng về một bước ngoặt trên chiến trường Ukraine. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 13/9 khẳng định quân đội Nga vẫn "rất lớn và hùng hậu", đồng thời duy trì nguồn lực dự trữ để có thể tăng cường sức mạnh cho lực lượng ở Ukraine.
"Đà phản công hiệu quả của Ukraine đã khích lệ các đối tác phương Tây tiếp tục gửi vũ khí và thông tin thông tin tình báo cho Kiev để giúp họ tiếp tục gây áp lực lên Nga", tướng Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, nhận định. "Nhưng việc duy trì động lực tiến công của Ukraine trong thời gian dài vẫn là một thách thức rất lớn".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)