Thông điệp về một chiến dịch phản công quy mô lớn ở miền nam đã được phát đi công khai, dồn dập từ các quan chức chính phủ, nghị sĩ lẫn tướng quân đội Ukraine suốt nhiều tháng qua. Để thông điệp được thuyết phục hơn, quân đội Ukraine tập trung những khí tài đắt giá nhất của mình xuống mặt trận phía nam, trong đó có những tổ hợp pháo phản lực HIMARS do Mỹ viện trợ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các cố vấn cấp cao nhiều lần khẳng định thành phố Kherson ở miền nam là mục tiêu mang tính chiến lược và chính trị to lớn. Đạn pháo HIMARS liên tục rót xuống các mục tiêu trọng yếu quanh Kherson, trong đó có những cây cầu bắc qua sông Dnieper, các kho đạn và sở chỉ huy Nga. Chiến thuật này bào mòn đáng kể mạng lưới hậu cần của Nga, đẩy hàng nghìn binh sĩ đóng tại Kherson vào tình thế cô lập.
Các tuyên bố lẫn động thái trên thực địa của quân đội Ukraine trong hơn hai tháng mùa hè khiến giới quan sát tin rằng Kiev thật sự muốn giành lại Kherson cùng toàn bộ phần lãnh thổ tả ngạn sông Dnieper.
Nga dường như đã đi đến kết luận tương tự vào cuối tháng 7. Họ rút nhiều đơn vị thiện chiến cùng khí tài quân sự từ Donbass xuống Kherson, vừa củng cố phòng tuyến miền nam đề phòng mũi tấn công phủ đầu của đối phương, vừa mở rộng vùng đệm an toàn cho bán đảo Crimea, theo Phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine Vadym Skibitsky.
Nhiều nhà quan sát khi đó cũng nhận định Kherson là mục tiêu hợp lý hơn với Ukraine so với tỉnh Kharkov ở đông bắc và vùng Donbass ở miền đông. Kherson nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine, cách xa biên giới Nga cùng nguồn lực hậu cần đối phương. Ukraine cũng có điểm tựa quan trọng cho chiến dịch ở miền nam là hai "thành trì" quan trọng Odessa và Mykolaiv.
Đến đầu tháng 9, khi Tổng thống Ukraine tuyên bố mở chiến dịch phản công tổng lực ở miền nam, mọi sự chú ý đều hướng vào Kherson. Khoảng 10.000-15.000 quân Nga tại đây cũng đã sẵn sàng nghênh chiến.
Nhưng quân đội Ukraine khi ấy không tung ra các đòn đánh ồ ạt như dự kiến. Thông báo từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho thấy các đơn vị tiến quân chậm chạp vài km mỗi ngày. Nhiều nhà phân tích bắt đầu cho rằng Kiev chần chừ và đổi ý trong chiến dịch phản công, do hiệu quả đạt được không như kỳ vọng.
Mykola Bielieskov, chuyên gia quân sự tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho rằng giới lãnh đạo ở Kiev ban đầu muốn buộc Nga vào tình thế phải lựa chọn trên bàn cờ chiến sự Ukraine, bảo vệ một trong hai vùng lãnh thổ đang kiểm soát giữa lúc nguồn lực có hạn.
Động thái đó giờ đây đã lộ rõ là tính toán mang tính bước ngoặt của quân đội Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cuối tuần qua thừa nhận Bộ Tổng tham mưu từ đầu đã lên kế hoạch tổ chức hai chiến dịch phản công trong một đòn hỏa mù có quy mô lớn nhất từ khi chiến sự nổ ra.
Trong đòn nghi binh đó, mũi tiến công ở Kherson được tiến hành nhằm tiêu hao và lôi kéo nguồn lực đối phương, trong khi cánh quân ở Kharkov là mũi chủ lực để giành lại lãnh thổ.
"Đây là chiến dịch đánh lạc hướng đặc biệt. Quân Nga nghĩ rằng giao tranh sẽ xảy ra ở miền nam và họ huy động khí tài, lực lượng tới đó để nghênh chiến. Nhưng thay vì miền nam, chúng tôi tiến quân ở nơi họ không ngờ đến nhất, gây hoảng loạn và buộc họ tháo chạy", Taras Berezovets, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ukraine và hiện là người phát ngôn lữ đoàn đặc nhiệm Bohun, ngày 10/9 thông báo.
Nơi mà quân đội Nga "không ngờ đến nhất" chính là mặt trận phía đông bắc Ukraine, trọng tâm là tỉnh Kharkov tiếp giáp biên giới Nga.
Về lý thuyết, Nga nắm gần như mọi ưu thế ở chiến trường này, từ cự ly hỗ trợ thuận lợi cho tiêm kích tại căn cứ trong lãnh thổ Nga, đến mạng lưới hậu cần đã được thiết lập vững chắc trong suốt 6 tháng giao tranh, trong đó có tỉnh Lugansk tiếp giáp đã hoàn toàn do lực lượng Nga kiểm soát từ tháng 7.
"Ukraine đã thực hiện thành công đòn đánh ngoạn mục", Phillips Payson O'Brien, giáo sư ngành chiến lược quân sự tại Đại học St. Andrews ở Anh, nhận định trên tạp chí Atlantic của Mỹ. "Không phải ngẫu nhiên mà Ukraine đạt đà tiến công đáng kinh ngạc. Đây là kết quả của các bước đi quân sự kiên nhẫn, giữ bí mật hành quân tuyệt vời và quan trọng nhất là đánh lạc hướng, điều một số đơn vị mạnh nhất của quân đội Nga rời khỏi tỉnh Kharkov".
Hơn một tuần qua, quân đội Ukraine đã giành lại hơn 6.000 km2 lãnh thổ từ tay đối phương, chủ yếu ở tỉnh Kharkov. Các đơn vị Ukraine đã kiểm soát hầu như toàn bộ cứ điểm dọc biên giới ở phía bắc và phía đông, giáp tỉnh Belgorod của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay các đơn vị đồn trú ở thành phố Izyum đã được "tái bố trí" về mặt trận Donetsk, đồng thời công bố bản đồ xác nhận rút lực lượng khỏi Kharkov.
"Đây là thành quả của nhiều tháng lên kế hoạch, cùng nhiều tuần bày binh bố trận của các lực lượng Ukraine. Rõ ràng Ukraine đang có nhiều lực lượng sẵn sàng tung sức tái chiếm lãnh thổ, tận dụng bất kỳ lúc nào cơ hội xuất hiện", John Spencer, chuyên gia tại Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện Lục quân West Point Mỹ, đánh giá.
Để tăng cơ hội thành công cho chiến thuật "dương đông, kích tây", quân đội Ukraine dường như đã âm thầm tái tổ chức lực lượng ở Kharkov trong vài tháng qua, theo giáo sư O'Brien, chuyên gia tại Đại học St. Andrews ở Anh.
Họ đã xây dựng các lữ đoàn có khả năng cơ động cao, trang bị phương tiện cơ giới hạng nhẹ và di chuyển nhanh để đảm nhiệm vai trò chủ lực của mũi phản công. Bước đi này đảm bảo cánh quân Kharkov có thể tận dụng tối đa tính bất ngờ của đòn phản kích chớp nhoáng.
Spencer lưu ý quân đội Ukraine còn có ưu thế tình báo vượt trội cả về con người và công nghệ, đặc biệt với những hỗ trợ từ cộng đồng tình báo Mỹ và phương Tây. "Họ biết rõ điểm yếu đối phương nằm ở đâu", ông nói.
Khi Nga chuyển trọng tâm chiến lược sang vùng Donbass từ cuối tháng 3, quân đội Ukraine trong nhiều tháng đã hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng về quân số lẫn nguồn lực. Tuy nhiên, lực lượng Nga cũng chịu tổn thất không kém với các trận đánh ác liệt tại khu vực Izyum - Severodonetsk - Lysychansk.
Trong cuộc chiến tiêu hao sinh lực này, Ukraine có một ưu thế quan trọng khác mà phía Nga chưa có: khả năng bổ sung quân số. Tổng thống Zelensky đã phát lệnh tổng động viên từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2, trong khi người đồng cấp Nga Vladimir Putin vẫn xem đây là "chiến dịch quân sự đặc biệt" và chưa thể ban hành sắc lệnh tương tự.
Trong tình trạng thiếu nhân lực, quyết định điều lực lượng về củng cố phòng tuyến ở Kherson đã kéo giãn đội hình quân Nga trên một diện tích rộng lớn, khiến khả năng phòng thủ ở Kharkov trở nên yếu hơn.
Trong 4 tháng chuẩn bị cho "giai đoạn thứ ba" của cuộc chiến, Ukraine đã huy động thành công quân số áp đảo đối phương ở mặt trận Kharkov. Họ cũng có đủ thời gian để huấn luyện quân nhân mới nhập ngũ, tích lũy kinh nghiệm tác chiến và làm chủ thêm nhiều vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ.
Vitaly Ganchev, quan chức do Nga bổ nhiệm tại tỉnh Kharkov, đầu tuần này cho hay quân chính quy Ukraine tiến hành mũi phản công đông gấp 8 lần các đơn vị Nga. Ba mục tiêu chiến lược ở Kharkov gồm Balakliya, Kupyansk và Izyum lần lượt được quân đội Ukraine giải phóng chỉ trong một tuần.
"Quân đội Ukraine đã chuẩn bị sẵn kịch bản, còn quân Nga bị kéo vào vai diễn. Bằng đòn hỏa mù của mình, Ukraine đã xóa sổ ưu thế của Nga ở Kharkov để tung đòn đánh quyết định, khiến đối phương choáng váng. Các phòng tuyến ở Kharkov bị xuyên phá dễ dàng, có lẽ một phần vì các đơn vị thiện chiến nhất đã bị rút xuống Kherson", giáo sư O'Brien nhận định.
Thanh Danh (Theo Atlantic, Vox, Globe and Mail)