Trả lời:
Caffeine là chất có ảnh hưởng đến thần kinh, có trong cà phê, nước uống tăng lực, trà xanh, ca cao... giúp tăng tỉnh táo.
Khi dùng thức uống chứa caffeine, dạ dày và ruột non nhanh chóng hấp thu dưỡng chất. Mức độ hấp thu tối đa xảy ra sau khoảng 30-60 phút tùy vào từng người. Sau khi được hấp thu, caffeine đi qua hàng rào máu não, nhanh chóng đến toàn bộ cơ thể.
Tại não bộ, caffeine ngăn chặn các adenosine (một trong những thụ thể gây buồn ngủ). Thông thường adenosine tích tụ dần trong não khi thức. Lượng adenosine gia tăng thì cơ thể cảm thấy buồn ngủ. Do đó, khi dùng cà phê, người uống cảm thấy tỉnh táo.
Tiêu thụ caffeine có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, lạm dụng thức uống này dễ gây khó ngủ, tâm trạng bứt rứt, khó chịu. Người đã quen uống nhiều caffeine khi cắt giảm có thể đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tâm trạng tiêu cực. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khoảng 12-24 giờ kể từ lúc ngừng uống.
Theo khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), lượng caffeine an toàn dùng hàng ngày không nên vượt quá 400 mg. Một tách hoặc gói cà phê thông thường có khoảng 70-100 mg caffeine. Như vậy, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 4-5 tách mỗi ngày.
Bạn cũng nên lưu ý uống cà phê trước giờ đi ngủ buổi tối khoảng 6 tiếng. Ví dụ, nếu bạn ngủ lúc 22h hàng ngày thì tránh uống cà phê hay những thức uống khác có chứa caffeine sau 16h để hạn chế mất ngủ.
Người có cơ địa nhạy cảm với caffeine hoặc mắc các bệnh lý cụ thể nên thận trọng hơn. Lượng tiêu thụ có thể cần ít hơn hoặc tư vấn với bác sĩ để sử dụng caffeine phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |