Tần suất đi tiểu có thể tiết lộ về tình hình sức khỏe của một người. Đi tiểu không đủ hoặc quá nhiều lần có thể cảnh báo hệ thống tiết niệu đang có vấn đề. Tiến sĩ Kara Watts, bác sĩ tiết niệu tại Trung tâm Y tế Montefiore, Mỹ, cho biết dù không quy định số lần đi tiểu cụ thể ở mỗi người trong một ngày là bao nhiêu nhưng số lần đi tiểu trung bình khoảng 7 lần/ngày được coi là bình thường ở người lớn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hiện đúng theo tần suất này. Đi tiểu 4 -10 lần/ngày cũng được coi là lành mạnh nếu điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Số lần đi tiểu ít hơn 4 có thể cảnh báo cơ thể đang thiếu nước trầm trọng, từ trên 10 lần/ngày có thể là dấu hiệu của bàng quang đang hoạt động quá mức (hay còn gọi là bàng quang tăng hoạt).
Tiến sĩ Watts cho biết có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tần suất một người đi tiểu trong ngày. Ông đưa ra 4 điều có thể ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu của một người bao gồm:
Thực phẩm và đồ uống
Lượng chất lỏng dung nạp vào cơ thể có ảnh hưởng nhiều tới lượng được thải ra. Giả sử người uống từ 3 lít nước mỗi ngày sẽ đi tiểu nhiều hơn người uống ít hoặc không uống. "Trong trường hợp này, không cần quá lo lắng về tình trạng sức khỏe, đó không phải là dấu hiệu bàng quang hoạt động quá mức", Tiến sĩ Watts nói.
Khi không nhận đủ lượng nước, cơ thể sẽ phát ra tín hiệu để bổ sung như khát nước. Ngoài cơn khát, một dấu hiệu khác cảnh báo cơ thể đang thiếu nước là nước tiểu màu vàng sẫm. Nếu cơ thể đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt.
Tiến sĩ Watts cũng khuyến cáo, những người mắc bệnh suy tim hoặc chức năng thận kém... có thể được bác sĩ khuyến cáo hạn chế uống nước. Do đó, nếu đang mắc bệnh lý về thận, tim... hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về lượng nước bổ sung phù hợp.
Cà phê, trà, rượu và soda, các loại thực phẩm cay, trái cây có tính axit, sô cô la ... cũng được khuyến cáo có thể làm tăng sản xuất nước tiểu, dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn.
Thói quen tập thể dục
Nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có liên quan đến sự phát triển của chứng tiểu không kiểm soát do căng thẳng ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi. Tình trạng mất kiểm soát do căng thẳng khiến các cơ và mô hỗ trợ cơ sàn chậu, cơ vòng tiết niệu suy yếu, gây áp lực lên bàng quang đôi khi dẫn đến "rò rỉ" nước tiểu. Từ đó khiến cơ thể tăng nhu cầu đi tiểu hơn.
Với nam giới, tập thể dục có thể làm giảm nhu cầu đi tiểu ở một số người. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học & Khoa học cho thấy, nam giới tập thể dục ít có nguy cơ mắc chứng tiểu đêm nhiều hơn.
Các bệnh lý
Bác sĩ Watts cho hay, các bệnh tiểu đường, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH), nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), béo phì... có thể góp phần gia tăng cảm giác buồn đi tiểu. Phụ nữ sau sinh có thể đi tiểu thường xuyên hơn, một phần là do các cơ bàng quang bị suy yếu. Trong thời kỳ mang thai, bàng quang có thể tạm thời bị căng do thai nhi đang lớn, cùng với đó một số hormone thai kỳ cũng có thể kích thích việc đi tiểu nhiều hơn.
Yếu tố khác
Tuổi tác: Người già có xu hướng đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
Hút thuốc lá: Theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ, những người hút thuốc lá cũng dễ mắc chứng tiểu không kiểm soát. Thuốc lá gây kích thích bàng quang và một số chất gây ung thư cũng được thải ra ngoài qua đường tiết niệu.
Căng thẳng và lo lắng: Cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Đây không hẳn là vấn đề với bàng quang mà là hệ quả của căng thẳng. Thông thường, điều trị các tình trạng tâm lý hoặc cảm xúc sẽ giúp giảm bớt các vấn đề liên quan đến đường tiểu.
Thuốc: một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu. Các thuốc lợi tiểu (thiên về điều trị bệnh tim, huyết áp cao hoặc chức năng thận) đều có thể dẫn đến đi tiểu thường xuyên.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today, Livestrong)