Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm có thể sẽ khiến bạn khó có được giấc ngủ trọn vẹn. Nếu đi tiểu nhiều hơn 2 lần mỗi đêm rất có thể bạn đã mắc chứng tiểu đêm nhiều lần. Ở dạng nghiêm trọng nhất, người bệnh có thể thức dậy từ 5 đến 6 lần vào ban đêm. Tiểu đêm nhiều lần phổ biến nhất ở những người già trên 60 tuổi. Tiểu đêm thường dẫn đến mất ngủ và đó có thể do nhiều nguyên nhân hoặc là một triệu chứng của một bệnh lý đã có từ trước:
Các bệnh lý về đường tiết niệu
Tiểu đêm có thể xảy ra song song với một tình trạng cấp tính liên quan đến đường tiết niệu. Các bệnh lý liên quan đến tiết niệu bao gồm: Sỏi bàng quang, viêm bàng quang (nhiễm trùng bàng quang), sỏi thận, viêm bể thận (nhiễm trùng thận), nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI),... Các bệnh lý này gây ra tình trạng viêm nhiễm khiến người bệnh có biểu hiệu tiểu gấp (nhu cầu đi tiểu đột ngột do co thắt đường tiết niệu). Triệu chứng này kéo dài từ ban ngày tới ban đêm và gây ra tiểu đêm nhiều lần. Một khi nguyên nhân gây viêm được điều trị, chứng tiểu đêm hầu như sẽ biến mất.
Ngoài các bệnh lý về đường tiết niệu, trong một số trường hợp, tiểu đêm nhiều lần còn là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn khác bao gồm suy thận mãn tính, suy tim sung huyết, tiểu đường và phì đại tuyến tiền liệt. Bệnh rối loạn giấc ngủ như tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ, mất ngủ hoặc hội chứng chân không yên (bệnh Willis-Ekbom) cũng là nguyên nhân của tình trạng tiểu nhiều lần vào ban đêm.
Bên cạnh các bệnh lý trên, ở những người không thường xuyên tiểu đêm thì nguyên nhân có thể là do uống quá nhiều nước trước khi ngủ. Phụ nữ mang thai cũng có thể bị tiểu đêm nhiều lần do bàng quang và cơ sàn chậu bị suy yếu. Phụ nữ mãn kinh hoặc đã sinh con, các cơ trong xương chậu cũng yếu hơn, estrogen ít hơn và có thể gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn cả về ban đêm.
Tác dụng phụ của thuốc
Tiểu đêm có thể do tác dụng phụ từ các loại thuốc bạn dùng. Trong một số trường hợp, một số loại thuốc có thể thúc đẩy việc giải phóng acetylcholine, một hợp chất ảnh hưởng đến hệ thống và có thể gây ra các cơn co thắt bàng quang.
Một số loại thuốc thường liên quan đến chứng tiểu đêm bao gồm: Darvon (propoxyphen), Declomycin (demeclocycline), Dilantin (phenytoin); Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như Lasix (furosemide), Lanoxin (digoxin), Lithium, Penthrox (methoxyflurane). Ngay cả việc dung nạp quá nhiều vitamin D cũng có thể gây ra chứng đi tiểu đêm nhiều hơn.
Lão hóa
Lão hóa là một trong những yếu tố góp phần lớn nhất gây ra chứng đi tiểu đêm. Ở người lớn tuổi, nguy cơ tiểu đêm cao hơn là do cơ thể sản xuất ít hormon có vai trò ngăn ngừa tình trạng bài niệu ADH (còn gọi là hormon chống bài niệu). Hormon này giúp cơ thể giữ lại chất lỏng, hạn chế tình trạng đi tiểu không tự chủ. Khi nồng độ ADH suy giảm sẽ dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu, đặc biệt là vào ban đêm. Các cơ trong bàng quang cũng có nguy cơ trở nên yếu đi theo chu trình lão hóa của cơ thể khiến cho việc giữ nước tiểu trong bàng quang trở nên khó khăn hơn.
Tiểu đêm nhiều lần có thể gây ra vấn đề: mất ngủ, ảnh hưởng tới tâm sinh lý. Ngoài ra, đi tiểu đêm có thể làm tăng khả năng té ngã và chấn thương ở người cao tuổi. Điều trị chứng đi tiểu đêm thường xuyên phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số hoạt động có thể làm giảm tần suất đi tiểu đêm như: ngủ giấc ngắn vào buổi chiều giúp cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn; kê chân cao hơn hoặc mang vớ nén giúp tăng cường lưu thông chất lỏng và cũng có thể giúp giảm thiểu tần suất đi tiểu đêm. Một số loại thuốc lợi tiểu giúp khuyến khích đi tiểu sớm hơn trong ngày giúp giảm lượng nước tiểu trong bàng quang của bạn vào ban đêm. Nếu đã cố gắng kiểm soát tình hình nhưng tình trạng tiểu đêm không thuyên giảm hãy đi thăm khám để được điều trị kịp thời.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health, Healthline, Webmd)