Nên chuyển phôi trữ đông hay phôi tươi để tỷ lệ thành công cao hơn? (Hà Anh, 29 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Khi làm IVF, trứng thu được thụ tinh với tinh trùng tạo thành phôi và phôi được nuôi trong tủ có nhiệt độ, môi trường tương tự tử cung người mẹ đến giai đoạn ngày 3 hoặc ngày 5.
Chuyển phôi là thủ thuật đưa những phôi đã nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vào tử cung người phụ nữ để phát triển thành thai nhi khỏe mạnh. Phôi được chuyển có thể là phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh đã được tạo ra ở chu kỳ trước đó.
Phôi trữ lạnh được lưu trữ, bảo quản trong môi trường nito lỏng ở âm 196 độ C bằng kỹ thuật thủy tinh hóa. Khi có chỉ định chuyển phôi, phôi được rã đông từ từ trong chất lỏng chuyên dụng để loại bỏ chất bảo vệ lạnh và khôi phục các hoạt động sinh học, đảm bảo chất lượng như trước khi trữ đông.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ tư vấn người bệnh chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ đông. Khả năng làm tổ thành công, phát triển thành thai nhi khỏe mạnh gần như không có sự khác biệt giữa hai phương thức.
Nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Tehran, Iran, trên hơn 11.200 phụ nữ vô sinh cho thấy tỷ lệ có thai ở nhóm phôi trữ đông là 30,9%, với nhóm phôi tươi là 29,6%. Kết quả so sánh những nguy cơ trong thai kỳ ở hai nhóm chuyển phôi trữ đông và phôi tươi lần lượt: tỷ lệ mang thai ngoài tử cung là 3% và 2,5%; tỷ lệ sẩy thai tự nhiên là 8,4% và 9,4%; tỷ lệ sinh non khoảng 28,2% và 23,4%; tỷ lệ mang thai đa thai chiếm 25,7% và 22,8%.
Tuy nhiên, hiện nay xu hướng chuyển phôi đông lạnh phổ biến hơn chuyển phôi tươi vì nhiều ưu điểm như giúp phụ nữ có cơ hội chuyển phôi nhiều lần, tăng tỷ lệ có thai tích lũy sau các lần chuyển phôi, giảm nguy cơ quá kích buồng trứng sau chu kỳ thích thích buồng trứng, người bệnh có thêm thời gian hồi phục sức khỏe sau chọc hút noãn, thu xếp công việc, cuộc sống gia đình, tâm lý, tài chính hoặc chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện cho phôi bám dính và làm tổ. Điều này giúp tiết kiệm chi phí điều trị, hạn chế số lần kích thích buồng trứng, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
Những trường hợp có chỉ định xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sàng lọc dị tật bẩm sinh cũng được trữ đông phôi trước khi chuyển, giúp phôi được bảo tồn chất lượng trong thời gian chờ đợi kết quả.
Thời gian trữ không có giới hạn, là giải pháp điều trị bảo tồn khả năng sinh sản tối ưu dành cho nữ giới suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng thấp; bệnh nhân ung thư sắp phải hóa, xạ trị; vợ chồng trì hoãn thời gian có con để phát triển sự nghiệp. Ngoài ra, tác động vật lý của việc đông lạnh và rã đông phôi có thể loại bỏ những phôi chất lượng kém, chỉ cho những phôi tốt tồn tại, tăng tỷ lệ IVF thành công.
Để tăng hiệu quả chuyển phôi thành công, IVF Tâm Anh ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật như keo dính phôi giúp gắn kết phôi với nội mạc tử cung; cào niêm mạc tử cung nhằm làm tổn thương nhẹ bề mặt lớp nội mạc, tăng cơ hội phôi bám vào niêm mạc tử cung để làm tổ, xét nghiệm ERA xác định thời gian phù hợp nhất để niêm mạc tử cung tiếp nhận phôi.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Huyền
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |