Thay vì đi du lịch, gia đình tôi quyết định ở lại Hà Nội trong bốn ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm nay. Sáng nay, tôi cho con lên phố đi bộ, hóng mát ở hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây và lang thang khắp các con phố.
9h sáng, chúng tôi đi xe máy từ Hà Đông lên phố Lương Văn Can mất 40 phút. Tới nơi, chúng tôi loay hoay tìm chỗ gửi xe. Hà Nội mở các tuyến phố đi bộ nhiều năm nay, nhưng lại không có một nhà để xe quy củ. Thế nên, cứ mỗi dịp nghỉ lễ, khách tham quan đến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm rất đông nhưng không có chỗ gửi xe công cộng. Người ta một là phải đi xe buýt, hai là đi taxi, ba là đi xe máy, chứ tránh đi ôtô vì chẳng biết gửi xe ở đâu?
Đang loay hoay tìm chỗ gửi xe, chúng tôi được một số người dân gần đó vẫy lại, chào mời gửi xe chỗ họ. Thực ra, đây là mấy bãi trông xe tự phát, chẳng ai được cấp phép, mà đa phần người dân tự ra đường, tự chăng dây một khu vực nhỏ để trông xe tự phát. Sáng nay, gia đình tôi gửi xe máy ở phố Lương Văn Can với giá 30.000 đồng một xe. Họ báo luôn là "chỉ trông muộn nhất đến 14h". Không ai kiểm soát giá trông xe và khách tham quan muốn đi bộ quanh hồ thì không còn cách nào khác là phải trả tiền với giá mà người trông xe đưa ra.
Chúng tôi đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm ngắm cảnh, ăn kem, chụp ảnh và trò chuyện. Thời tiết nắng nhưng không gắt nên nhiều người đi dạo ngoài trời. Các ghế ngồi quanh hồ đều kín người ngồi. Nhiều khách tham quan không có chỗ, phải ngồi xung quanh các bệ hoa, gốc cây.
Quanh hồ có nhiều người bán hàng rong, hoa quả, đồ ăn, đồ uống. Điều đáng nói là ý thức người dân ở đây chưa tốt, có một số người ăn xong vứt luôn rác, túi bóng xuống dưới đất. Hồ Hoàn Kiếm vốn dĩ đẹp và thơ mộng đến thế, nhưng vào dịp nghỉ lễ đông người đến tham quan, một số người vứt rác bừa bãi, đội ngũ dọn vệ sinh quá ít, một số thùng rác đổ lăn lóc ra lối đi bộ. Những cảnh đó làm giảm đi vẻ đẹp của nơi đây.
Tôi may mắn được đi nước ngoài nhiều và thấy Hà Nội vẫn chưa biết cách làm du lịch, chưa biết cách thu hút du khách như các nước khác. Các dịch vụ công cộng của chúng ta vẫn còn kém xa các nước trong khu vực và trên thế giới.
>> Suất bún chả 35.000 đồng có hai miếng chả đắt hay rẻ?
Đến 12h, chúng tôi quay lại lấy xe máy để di chuyển sang hồ Tây. Có lẽ, trưa nắng nên ở đây ít người hơn hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi đi quanh hồ một vòng rồi di chuyển sang một nhà hàng gần phủ Tây Hồ để ăn trưa. Chúng tôi gọi một đĩa ốc mít luộc nhỏ với giá 150.000 đồng, một đĩa bánh bột lọc có sáu chiếc với giá 60.000 đồng, một đĩa bánh tôm cũng có sáu cái giá 120.000 đồng, bún riêu giá 50.000 đồng một bát, nước ngọt giá 20.000 đồng một lon...
Với giá tiền như vậy so với mức sinh hoạt trên phố trung tâm thì không phải là quá đắt, nhưng nếu ăn ở khu gần nhà tôi, có lẽ còn ngon và đầy đặn hơn nhiều. Bởi, chất lượng món ăn ở đây cũng bình thường, không được như lời quảng cáo trên mạng.
Ăn trưa đến 14h, chúng tôi lại di chuyển sang quán cà phê ở khu phố cổ. Đồ uống ở đây có mức giá từ khoảng 30.000 đồng đến 80.000 đồng một ly. Không gian quán nhỏ nhưng khá đông khách. Khách nước ngoài cũng đến khá đông. Chúng tôi ngồi thưởng thức đồ uống, ngắm phố, ngắm dòng người đi lại trên đường suốt hai giờ liên tục.
16h, trời mát mẻ hơn, chúng tôi di chuyển sang phố sách Hà Nội. Tôi và các con đều rất thích địa điểm này vì nơi đây không chỉ dành cho những tín đồ "mọt sách" mà còn rất phù hợp cho những ai muốn tìm kiếm một địa điểm thư giãn mới mẻ vào các dịp cuối tuần. Mua sách xong, chúng tôi lựa một góc thật mát mẻ và bắt đầu trải nghiệm cảm giác đọc sách giữa không gian yên tĩnh này. Tiếc rằng, những nơi như thế này lại nhưng chưa thu hút được nhiều khách tham quan như những điểm vui chơi khác.
Sau một ngày trải nghiệm lang thang các phố Hà Nội, gia đình tôi đã có một ngày khá vui vẻ. Chỉ còn một vài điều hơi tiếc nuối về du lịch của thủ đô: Giá như sau này Hà Nội có những khu để xe công cộng rộng rãi, không để người dân trông xe tự phát và thu tiền với giá cắt cổ như hiện nay. Giá như ý thức người dân tốt hơn, không vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Giá như đội ngũ dọn vệ sinh được tăng cường trong những dịp nghỉ lễ để dọn sạch các khu vui chơi.
Giá như công tác truyền thông của Hà Nội làm tốt hơn để nâng cao ý thức của người dân, ngành du lịch được chú trọng, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Giá như văn hóa đọc được khuyến khích mạnh hơn, làm truyền thông rộng rãi hơn để người dân quan tâm đến việc đọc sách nhiều hơn, có thói quen đưa con đến phố sách, hiệu sách, thư viện nhiều hơn là đi chơi đơn thuần.
Thiết nghĩ, Hà Nội cần đổi mới tư duy phát triển du lịch, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch tại chỗ. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, vận động các doanh nghiệp du lịch có các giải pháp tiết kiệm năng lượng; cũng như có các biện pháp để xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường; hạn chế sử dụng túi ni lông và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Cuối cùng, cần tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường.
Dẫu biết rằng không phải muốn làm điều gì là làm được ngay, Hà Nội còn nhiều khó khăn cần khắc phục, nhưng tôi hy vọng rằng trong tương lai thành phố sẽ nâng cao uy tín, thương hiệu, sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh cho du lịch của thủ đô. Mong một ngày Hà Nội sẽ thay đổi tốt hơn và luôn trở thành lựa chọn số một của du khách trong nước và quốc tế, đạt mục tiêu đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thủ đô.
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đang làm việc tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tác giả chia sẻ nhiều ý kiến về các khía cạnh trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.