Vụ việc tài xế taxi hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất lắp công tắc phụ phía dưới cần số để can thiệp đồng hồ tính tiền, nâng cước quãng đường hai km từ 54.000 đồng lên hơn 540.000 đồng đang khiến nhiều người bức xúc. Điều đáng nói, tình trạng "chặt chém" giá cước taxi ở sân bay này diễn ra không ít, tạo nên ấn tượng xấu trong mắt hành khách trong và ngoài nước.
Từng là nạn nhân của chiêu trò thổi giá cước taxi, độc giả Hoàng Việt chia sẻ: "Tôi vừa đi taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất tuần trước và cũng gặp đúng tình trạng lừa đảo này. Khi lên xe, tôi báo tài xế chở về đường Phạm Hồng Thái, Quận 1. Đi được khoảng 600 m, tôi thấy đồng hồ nhảy từ 13.000 đồng lên 38.000 đồng. Nghi ngờ nên tôi theo dõi và phát hiện cứ đi được một đoạn là đồng hồ lại nhảy lên rất nhanh, từ 41.000 đồng lên luôn 59.000 đồng. Đến lúc gặp đèn đỏ, xe dừng nhưng đồng hồ vẫn nhảy số.
Tôi bức xúc yêu cầu tài xế tắt đồng hồ. Đến khách sạn, tôi trả tài xế đúng 120.000 đồng như trên ứng dụng, nhưng tài xế nhất định không đồng ý, đòi tính giá theo đồng hồ. Đến nơi, tôi dọa gọi vào số điện thoại công an phường gần nhất thì tài xế mới đồng ý nhận 124.000 đồng.
Đem câu chuyện nói với lễ tân khách sạn, họ bảo tôi rằng 'đấy là anh có ý kiến nên tài xế mới hãm lại còn 183.000 đồng, chứ khách nước ngoài toàn bị chém 600.000-700.000 đồng cho đoạn đường 8,3 km'. Thành phố lớn, lượng khách du lịch, nhất là khách nước ngoài cũng rất nhiều, vậy mà kiểu làm ăn chộp giật thế này vẫn tồn tại thì rất mất hình ảnh".
Cũng ở trong tình trạng bị chặt chém tương tự, bạn đọc Nguyen Hung kể lại: "Tôi đi taxi từ sân bay Tân Sơn Nhất về đường Phan Huy Ích - Quang Trung, quận Gò Vấp, đồng hồ báo tới gần 500.000 đồng trong khi bình thường chỉ khoảng 250.000 đồng. Biết mình bị giở trò moi tiền, tôi yêu cầu tài xế chạy thẳng vào cổng công an phường. Đến lúc này, tài xế mới xoa dịu 'chắc đồng hồ xe em bị hư, thôi anh đưa em 300.000 đồng cũng được'".
"Thực sự thấy buồn khi những tài xế taxi đang đập bát cơm của những đồng nghiệp và những người làm du lịch của nước nhà. Nếu tình trạng làm dịch vụ du lịch của chúng ta không được cải thiện, du lịch của Việt Nam sẽ mất cả khách nội địa chứ không nói gì tới khách quốc tế. Tâm lý của nhiều người là đi du lịch, nghỉ dưỡng hay khám phá là để tìm sự thoải mái vui vẻ chứ không phải trải nghiệm cảm giác bị lừa, móc túi hay những điều tệ hại do những người làm dịch vụ mang lại. Mong rằng những người làm dịch vụ hiểu điều đó và chung tay cải thiện hình ảnh du lịch của nước nhà, mang lại cho người dân có thu nhập tốt hơn từ du lịch, dịch vụ", độc giả Vu Quang Tet nói thêm.
>> Taxi 'chặt chém chồng chất' từ sân bay Tân Sơn Nhất
Nộp phạt 11,7 triệu đồng, tước phù hiệu taxi hai tháng là hình thức xử phạt được đưa ra dành cho các tài xế taxi có hành động "móc túi" hành khách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng án phạt này còn thiếu tính răn đe.
Độc giả Heart Nguyenbình luận: "Phạt như vậy là quá nhẹ. Họ là những cá nhân làm xấu hình ảnh đất nước Việt Nam đối với khách quốc tế. Những ai đã từng là nạn nhân của tình trạng chặt chém như vậy, người ta sẽ không bao giờ quay lại đất nước mình du lịch nữa. Tại sao mình không quảng bá những điều tốt đẹp, nâng cao giá trị người Việt Nam mà lại làm xấu đi hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Văn Tá Nguyễn nhận định: "Mỗi lần có việc cần đi tới TP HCM, tôi lại sợ nhất là phải bắt taxi từ sân bay về nơi tạm trú. Sở Giao thông vận tải thành phố cần kiểm tra thường xuyên và phạt kịch khung với những trường hợp vi phạm này. Nếu mức phạt này chưa đủ răn đe thì đề nghị tăng nặng thêm để lấy lại lòng tin nơi người dùng dịch vụ".
"Dù là mưu sinh nuôi sống gia đình, nhưng những trường hợp như thế này cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa: ví dụ xử phạt 50-100 triệu đồng, vi phạm lần đầu sẽ bị tước bằng lái xe một năm, lần hai sẽ bị tước vĩnh viễn. Làm vậy, đảm bảo sẽ không còn tình trạng này nữa", đọc giả Dung Lung Tung đề xuất.
Trong khi đó, nếu giải pháp chấn chỉnh tình trạng taxi sân bay dùng chiêu trò chặt chém du khách, bạn đọc Phan Nguyen gợi ý: "Nên có bằng lái taxi chuyên nghiệp cho những tài xế chạy dịch vụ. Tài xế phải có bằng này thì mới được hành nghề. Việc đó sẽ giúp ngăn chặn tình trạng chặt chém cũng như buộc các tài xế phải tuân thủ pháp luật tốt hơn. Nếu ai vi phạm sẽ bị tước giấy phép hành nghề và không được chạy taxi nữa. Đã có nhiều quốc gia áp dụng biện pháp này và đạt hiệu quả. Việt Nam cũng nên sớm áp dụng để quản lý dịch vụ taxi một cách chuyên nghiệp hơn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.