Mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Vài năm trở lại đây, số lượng các bãi rác tự phát trong các khu dân sinh ngày càng tăng. Điều nghịch lý là càng những khu vực có rào chắn, có biển báo cấm đổ rác lại là nơi ngập nhiều rác thải nhất, gây áp lực rất lớn lên các công nhân vệ sinh.
Nói về thói quen vứt rác tùy tiện của nhiều người Việt, độc giả Anh Tú chia sẻ: "Ý thức và thói quen cố hữu đã ăn sâu vào tư duy của nhiều người. Đồ rác rưởi ai cũng muốn tống khứ đi càng nhanh càng tốt, vứt đâu cũng được, chẳng mấy người thực sự để tâm làm cho chỉn chu, đúng quy định.
Khi xưa, tôi ở chung cư, người ta thiết kế phòng rác có hai lớp cửa để ngăn mùi xộc ra ngoài. Giữa hai lớp cửa đó là một khoảng trống cỡ chưa tới 1 m2. Vậy mà có những người lười biếng chỉ đẩy được lớp cửa ngoài cùng rồi quăng luôn rác ở ô trống chứ không thèm mở lớp cửa trong để bỏ rác vào thùng đúng quy định. Đáng nói, hành động này là của cư dân hẳn hoi chứ chẳng phải khách vãng lai ở đâu tới để mà nói là họ không biết.
Hay như khu vực nhà tôi đang ở bây giờ, thay vì đi ra đầu hẻm (có xe rác để sẵn ở đó), hoặc để rác gọn gàng trước cửa nhà mình để chờ công nhân vệ sinh đi gom, nhiều hộ dân lại mang ra sân chơi trẻ em tập thể gần đó để quăng, tạo thành một bãi rác tự phát ở đó. Hành động này vừa gây mất mỹ quan, mất vệ sinh, lại ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của nhân dân trong khu vực (trẻ em vui chơi, người già tập thể dục, người dân ngồi hóng mát).
Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại làm như vậy. Không biết họ có thấy lấn cấn khi cứ mang thứ xú uế của gia đình quăng bừa bãi ở những nơi công cộng như vậy không?".
Cùng chung nỗi bức xúc khi bị hàng xong vứt rác bừa bãi trước cửa nhà, bạn đọc Sang Vo bình luận: "Bà hàng xóm đối diện nhà tôi cũng có ý thức rất tệ. Trước khi bà ấy tới ở khu này, rác nhà ai đều để gọn gàng trước cửa nhà ấy, người thu gom rác sẽ đến lấy sau. Nhưng từ lúc đến ở, bà ngang nhiên để rác trước cửa nhà tôi. Một số người xung quanh cũng vứt theo, tạo thành một bãi rác chình ình tại đó.
Ban đầu, tôi không hề hay biết vì cả nhà đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về.Chỉ đến một hôm không có người đi thu gom rác buổi chiều, tôi trở về mới phát hiện thấy đống rác rất to trước nhà mình. Hai bé nhà tôi lúc đó học mầm non cũng ngạc nhiên, hỏi to 'sao rác trước nhà mình nhiều thế? Chắc ai đó đã bỏ vào'. Không biết bà hàng xong nghe thấy có hổ thẹn không?".
"Nhiều người rất thiếu ý thức. Rõ ràng, bên công ty vệ sinh có xe thu gom rác theo giờ hàng ngày, nhưng có người không bao giờ chịu tuân thủ quy định. Họ cứ tiện tay là lên xe đạp, xe máy rời nhà rồi rình chỗ nào không có người là ném rác. Theo tôi, cần phải có chế tài phạt nghiêm các hành vi này vì từ hành động nhỏ sẽ phát sinh thành những hậu quả lớn hơn", độc giả Petopham nói thêm.
>> 'Nhiều cha mẹ xúi con quăng rác xuống đường'
Đánh giá ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của nhiều người Việt, bạn đọc Jemisha nhận định: "Thói quen xả rác, vứt rác của chúng ta ngày một tệ. Chừng hai chục năm trước, nhà nào muốn đổ rác cũng phải chờ xe rác tới gõ kẻng. Giờ cứ vài chục mét lại thấy mọc lên đống rác lộ thiên 24/7. Người ta không đổ rác theo giờ nữa mà mỗi nhà xả mỗi kiểu, bất kể giờ giấc.
Ai đi mua nhà, đất bây giờ phải thận trọng quan sát xem có bãi rác nào trước nhà, đất không vì một khi thành thói quen đổ rác đúng chỗ đó thì cực kỳ khó thay đổi. Bạn tôi phải thuê bảo vệ 24/24 trong suốt ba tháng để ngăn người đổ rác trước cửa ngôi nhà mới mua.
Rác thải ngổn ngang mọi tuyến phố ở thành phố lớn chắc là việc rất hiếm ở các nước phát triển. Ví dụ như nông thôn lẫn thành thị Trung Quốc đều không có mẩu rác nào. Muốn đô thị cho ra đô thị, chúng ta phải thay đổi tận gốc rễ cách thức phân loại, thu gom rác. Rác hữu cơ, rác thực phẩm (những thứ phân hủy gây mùi hôi thối kinh khủng nhất) phải phân loại riêng với rác vô cơ (thứ ít mùi hơn). Rác vô cơ tái chế được và không tái chế được cũng phải phân loại riêng biệt".
Đồng quan điểm, độc giả Doctor X đề xuất: "Ý thức là điều rất xa xỉ nên cần dùng luật. Nên có chế tài đủ mạnh là sẽ bớt được tình trạng xả rác bừa bãi. Bây giờ camera khắp nơi, dễ ghi nhận lại hình ảnh thực tế, nên lắp đặt camera tại các điểm nóng đổ rác của mỗi phường. Nếu ai bị bắt quả tang xả rác bừa bãi không đúng quy định sẽ bị phạt lao động công ích một vài tháng, phạt tiền thật nặng, công bố danh tính lên khu phố (nếu là người khu vực khác thì sẽ bị nêu tên lên mạng xã hội). Nếu ai tái phạm nhiều lần có thể xem xét các hình phạt tăng nặng khác".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.