Tôi và vợ từng đi du lịch Bangkok và Chiang Mai, Thái Lan. Thật lòng mà nói, đồ ăn và giao thông ở đấy cũng không quá nổi bật. Tất nhiên là giao thông của họ đã đi trước Việt Nam rất nhiều năm, nên mọi so sánh đều là khập khiễng. Và tôi tin câu chuyện về giao thông cũng không phải thứ khiến du lịch Việt lép vế so với người bạn hàng xóm.
Thứ khiến tôi thấy ấn tượng nhất ở đất nước họ chính là sự niềm nở và thân thiện của người Thái. Khi tôi qua đường, luôn được ôtô chủ động nhường cho đi trước với thái độ rất lịch sự. Ở Thái Lan sáu ngày nhưng tôi gần như rất ít khi nghe thấy tiếng còi xe (chỉ từ 5-6 lần) dù đường phố ở đây cũng kẹt xe liên tục.
Tôi là người khá mê du lịch nên đi trong nước cũng không ít. Tôi gặp nhiều người rất tốt, họ sẵn sàng chạy xe máy theo sau để chỉ đường cho tôi đến Hà Giang. Hay như có đợt đi Điện Biên, tôi ghé vào một quán để ăn cơm trắng, nhưng chủ quán cũng không tính tiền vì đã bán hết đồ ăn. Đợt đạp xe từ Sài Gòn xuống Gò Công, người dân địa phương còn tặng chuối cho tôi và kêu bọn nhỏ lấy ghế cho tôi ngồi nghỉ mệt...
Nói vậy để thấy rằng, thực ra tính cách người Việt cũng không hề tệ. Chỉ có điều, sự phối hợp tuyên truyền quản lý vẫn chưa xứng tầm với ngành du lịch nên những thái độ tốt chưa được nhân rộng. Trong khi đó, người Thái Lan thân thiện hơn ta rất nhiều vì cơ bản họ được giáo dục từ trường lớp đến văn hóa đời sống.
>> 'Khách du lịch Việt quá hiền'
Chính vì ý thức cộng đồng của người Việt chưa cao nên tư tưởng chặt chém để thỏa mãn lợi ích cá nhân cứ ngày một lan rộng, thay vì nghĩ đến cái lợi chung của du lịch cả nước. Điều này cần phải được chấn chỉnh ngay từ trong nhà trường. Chỉ có giáo dục tốt và thiết lập một chế tài đủ mạnh thì mọi thứ mới có thể vào quy củ được.
Một điểm nhấn đáng chú ý nữa của du lịch Thái Lan đó là vấn đề giá cả. Tôi đi từ Bangkok đến Chiang Mai, Chiang Rai mà hầu như không hề nhận thấy có sự tăng giá nào, vì người Thái đã quá quen với việc buôn bán cho khách nước ngoài. Suốt gần một tuần du lịch tự túc nhưng tôi tiêu chưa đến 10.000 bath (khoảng hơn 6 triệu đồng). Nói không ngoa, tôi chưa một lần bị "chặt chém" khi đi du lịch Thái Lan.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tôi đi từ Bắc đến Nam, nhận thấy cách làm du lịch ở ta khá xô bồ. Người kinh doanh, buôn bán ở ta có thói quen mời chào vồn vã đến mức chèo kéo và hầu như là không kiểm soát nổi giá cả. Đấy là một điểm trừ rất lớn đối với không chỉ khách nội địa mà còn là ấn tượng rất xấu với du khách quốc tế.
Có những trường hợp tôi thấy vô cùng phản cảm. Chẳng hạn như năm 2014, tôi ra Hà Nội, đi mua một ổ bánh mỳ tại lề đường mà bị "chặt chém" tới 25.000 đồng (rất đắt so với giá cả thời đó), trong khi chất lượng cũng chẳng ra gì. Tôi thấy cái kiểu kinh doanh ăn xổi như vậy lời lãi không đáng chút nào so với những hậu quả nhận lại. Chính cái sự khôn lỏi không đúng lúc như vậy nên mới khiến hình ảnh du lịch trong nước trở nên xấu xí và bị ác cảm bởi chính người Việt.
>> Vì sao khách quốc tế thích đến Thái Lan hơn Việt Nam?
Tất nhiên, thực trạng này ai cũng biết, nhưng vấn đề là không thể̉ thay đổi ngay trong một sớm một chiều nếu như nền tảng giáo dục ở ta không phát triển và thiếu sự đồng bộ của các ban, ngành quản lý. Nếu có thể, tôi mong người Việt và đặc biệt là những người làm du lịch hãy thử đến lễ hội YeePeng ở Chiang Mai, Thái Lan vào cuối tháng 10 hàng năm. Tôi tin các bạn sẽ không thể quên được sau một lần trải nghiệm. Đó là thứ mà người Việt cần phải học hỏi.
Bản thân tôi chưa có cơ hội đi nhiều nước. Tết 2023, tôi đi Singapore nhưng cũng không quá ấn tượng với du lịch tại đây, ngoại trừ hệ thống giao thông hiện đại và cách làm việc chuyên nghiệp. Singapore có diện tích nhỏ và vị trí thuận lợi, kết hợp với quản lý tốt nên chuyện họ hơn du lịch Việt cũng là điều tất yếu.
Nói vậy để thấy, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để bắt kịp các nước với những tài nguyên và nguồn lực sẵn có. Quan trọng là chúng ta có dám mạnh dạn thay đổi cách khai thác du lịch một cách toàn diện hay không mà thôi.
Trung Dung
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.