Đọc bài viết "Vợ muốn ăn Tết nhà ngoại", tôi thấy một vấn đề nhức nhối trong xã hội đã tốn tại từ thời phong kiến vẫn còn xót lại cho đến tận ngày nay, đó là tư tưởng "trọng nam, khinh nữ".
Chị, em gái (cũng như họ hàng) của tôi sống ở nước ngoài (từ Mỹ tới châu Âu) cũng lấy chồng nhưng họ có phải gánh vác trách nhiệm lo cho bố mẹ hai bên đâu, chủ yếu chỉ tập trung chăm sóc cho chính gia đình nhỏ của mình. Vừa cưới xong là họ ra ở riêng, gia đình bên vợ và bên chồng không ai có quyền buộc vợ chồng son phải làm thế này, thế kia cho tròn đạo hiếu... Thế nên mới nói văn hóa phương Tây có cái hay của nó.
Tôi từ khi lấy vợ luôn có một quan niệm rằng năm nay ăn Tết ở nhà chồng, thì Tết năm sau đón Tết ở nhà vợ, đơn giản vô cùng. Triết lý sống của chúng tôi là: con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, dù trai hay gái. Thế nên, nếu mua quà biếu cho cha mẹ chồng là cái tivi, thì quà cho cha mẹ vợ cũng phải tương đương, ví dụ như cái tủ lạnh. Đã là bình đẳng nam nữ thì đừng bao giờ suy nghĩ theo kiểu "nhất bên trọng, nhất bên khinh".
Đặt tôi vào trưởng hợp người vợ bị chồng phản đối về ăn Tết nhà ngoại, tôi sẽ hỏi thẳng người chồng rằng: "Anh lấy tôi về làm vợ hay làm ôsin không lương cho gia đình anh?". Có một cánh cửa mà luật pháp luôn rộng mở cho mọi người trong xã hội sau khi kết hôn, đó là ly dị để giải thoát hai tư tưởng đối lập nhau. Và tôi sẽ không ngần ngại làm vậy nếu gặp phải một người chồng gia trưởng, xem thường nhà vợ.
>> 'Tết đâu chỉ có khoe mẽ, nhậu nhẹt, đi chơi xa'
Trước đây, trên chuyên mục Ý kiến, tôi cũng từng có bài viết "Những phụ nữ ủng hộ ăn Tết nhà chồng". Tại sao phụ nữ luôn tự làm khổ nhau bằng những suy nghĩ khép mình, cam chịu. Phụ nữ phải thay đổi cách nhìn, quan điểm sống của mình để tự giải thoát bản thân khỏi những định kiến trong xã hội. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận vấn đề riêng, và tôi cũng vậy, nên không có ai đúng ai sai, quan trọng là bạn phải tự đưa ra được quyết định để bản thân mình thấy hạnh phúc nhất.
Tôi luôn chỉ dạy con của mình, cả trai lẫn gái, rằng phải biết làm mọi việc trong nhà: lau nhà, quét dọn, nấu ăn, giặt giũ, đi chợ, sửa đồ điện đơn giản, sơn nhà cửa... Cho dù việc chúng làm không hoàn hảo hay không vừa ý mình, nhưng tôi vẫn cứ để chúng tự làm và trải nghiệm. Đó là nền tảng để các con tôi sau này biết san sẻ với người bạn đời của chúng.
Trong xã hội, có không ít đàn ông gia trưởng, không bao giờ đụng tay đến việc nhà. Tư tưởng này xuất phát một phần do chính sự nhu nhược của các bà vợ, bà mẹ. Vợ chồng không phải là nô lệ hay ôsin của nhau. Do vậy nếu bạn rơi vào tình cảnh này, hãy mạnh dạn tìm lối thoát cho chính mình, thay vì chỉ ngồi một chỗ than thở, trách móc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.