Thu Mây, 30 tuổi, vẫn còn nhớ như in cái Tết bốn năm trước. Chưa bao giờ, chị thấy ghét chồng tới vậy. Năm đó, vợ chồng cô mới lấy nhau. Thời điểm nghỉ Tết, Mây đã ở tuần 37 thai kỳ, tăng tới 20 kg khiến cô ì ạch. "Em tính năm nay về nhà ngoại ăn Tết, kể cả đêm Giao thừa đi đẻ cũng không lo", cô nói.
Nhà ngoại của Mây ở ngoại thành Hà Nội, còn nhà nội ở Nghệ An, cách 300 cây số. Chồng cô giãy nảy phản đối. Lời qua tiếng lại, không ai nhường ai. Mây nghĩ chồng "gia trưởng, vô tâm, chỉ nghĩ tới bản thân". Giận chồng, cô không nhìn mặt, không trả lời, tối ngủ nằm hẳn góc tường. Gần một tuần, cặp vợ chồng chiến tranh lạnh.
Cách đây ba hôm, vợ chồng chị Phạm Thị Thương, ở quận Đống Đa cũng "đại chiến". "Chồng tôi lật lọng", chị bức xúc nói.
Thương kể, cách đây vài năm, anh Đạt, chồng chị tự nhiên nói: "Hai năm đón giao thừa bên nội sẽ cho vợ con đón một giao thừa bên ngoại". Quê nội và ngoại cách nhau 70 cây số. Như thường lệ 10 năm hôn nhân, ngay khi nghỉ Tết, vợ chồng chị và các con khuân vác đồ đạc, quà bánh về nhà nội. Sắm sửa, chợ búa, cỗ bàn ngày Tết đều một tay chị vun vén. Trưa mùng 2, cả nhà khăn gói lên ngoại và ở đó cho tới hết kỳ nghỉ Tết.
"Tôi chưa từng có ý kiến gì về việc này, dù thâm tâm cũng có ước mong được sống lại cái Tết thời con gái", chị nói.
Khác với nhà chồng xem Tết rất sơ sài, có gì dùng nấy. Tết Nguyên Đán nhà ngoại Thương rất đầm ấm, nhiều hoạt động truyền thống xưa vẫn được gìn giữ. Câu nói của chồng lần đó làm Thương háo hức lên kế hoạch với các anh chị em sẽ có một năm đón Giao thừa với bố mẹ.
Mấy năm dịch bệnh, rồi người này đẻ, người kia bận công tác nên kế hoạch tất cả các chị em gái cùng ăn Tết nhà ngoại không thành. Năm nay là dịp phù hợp nhất, song khi Thương bàn với chồng, anh phủ nhận chưa từng có ý định đó. "Em thích thì đi một mình. Còn anh với hai con vẫn ăn Tết với ông bà nội", chồng Thương nói.
"Tôi cứng họng. Một mình tôi về Tết ngoại khác gì đang tuyên bố với cả thiên hạ vợ chồng bất hòa. Và bố tôi thì càng không chứa vì bố mẹ nào cũng chỉ mong con vợ chồng hòa thuận. Hơn nữa, con thứ hai của tôi còn chưa cai sữa", chị Thương giãi bày.
Vợ chồng anh Thể ở TP HCM đã kết hôn 6 năm, ngoại trừ một năm con vừa sinh, còn lại năm nào cũng về ăn Tết nội nửa tháng. Nhà nội ở Huế, cách 1.000 km, nên mỗi năm chỉ về một lần dịp này. Năm nay bỗng dưng chị Lý, vợ anh vùng lên đòi ăn Tết ngoại.
"Vợ chồng tôi hiếm khi cãi nhau, nhưng nay đụng đến Tết nội Tết ngoại, cô ấy không chịu nhân nhượng", anh Thể chia sẻ.
Anh đã giải thích với vợ là Tết ở quê mình có không khí hơn hẳn trong Nam. Cả năm chỉ có dịp này anh em, bạn bè về gặp gỡ. Anh lại là con trai duy nhất trong nhà nên về Tết còn là dịp qua lại họ hàng, hương hỏa tổ tiên. "Để cân bằng với việc về Tết Nguyên Đán quê nội, suốt các ngày lễ khác trong cả năm tôi đã cùng vợ con về với ông bà ngoại", anh nói.
Song chị Trang cự cãi, đã 5 cái Tết ở quê chồng, anh thấy vui nhưng chị không thấy vui. Anh được ăn, được chơi, còn chị chỉ có điệp khúc rửa bát, nấu cơm. "Nhà em có hai chị em gái, từ lúc em lấy chồng, đã 6 năm bố mẹ đón Tết một mình. Nếu không phân chia Tết nội Tết ngoại thì có thể đến lúc bố mẹ chết, em cũng sẽ không được ăn Tết với ông bà nữa", chị nói.
Ai cũng có cái lý của riêng mình và không ai chịu nhường ai. Chỉ còn ba tuần nữa đến Tết mà vì chuyện này, vợ chồng anh lục đục.
"Đại chiến" của gia đình Mây, chị Thương hay anh Thể có thể cũng đang là tình cảnh của nhiều gia đình. Khảo sát của VnExpress với gần 400 người cho thấy có 38% cho biết từng mâu thuẫn với vợ/chồng vì chuyện ăn Tết nội hay Tết ngoại.
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) cũng cho biết có "cực kỳ nhiều người vợ trầm cảm, căng thẳng" về việc này. "Họ chia sẻ ngày nào được nghỉ là phải khăn gói về quê nội luôn ngày đó. Họ ở nhà chồng những ngày quan trọng nhất, còn nhà ngoại chỉ được về một chút trước hoặc khi gần hết Tết. Ở nhà chồng họ phải vất vả phục vụ gia đình chồng, anh em chồng, trong khi bố mẹ đẻ lại không được tròn chữ hiếu. Họ cảm thấy đang bị bên trọng bên khinh", bà Nga chia sẻ.
Theo nhà tâm lý, mâu thuẫn chủ yếu xuất phát từ việc người phụ nữ đã không được về Tết với bố mẹ mình, lại phải lo nhiều việc nhà chồng. Trong khi người chồng những ngày đó bù khú với anh em, bạn bè, không mấy quan tâm đến vợ đến con.
"Mâu thuẫn này thường gặp nhất ở các cặp vợ chồng mới cưới. Người phụ nữ lúc này chưa quen thuộc với gia đình chồng, lại cầu toàn làm dâu mới, con cái còn nhỏ nên dồn thêm áp lực", nhà tâm lý phân tích.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng nhận thấy mâu thuẫn thường gặp nhất ở các cặp mới cưới, do chưa quen với nếp sống của nhau, chưa có sự dàn xếp thỏa đáng.
"Nguyên nhân nhân của những bất đồng này chủ yếu lỗi do nam giới. Họ vẫn còn tư tưởng gia trưởng, lỗi thời, coi trọng Tết của nhà mình hơn nhà vợ. Việc luôn ưu tiên Tết nội hơn chính là biểu hiện của trọng nam khinh nữ, là bất bình đẳng giới", chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông, vẫn là phải bỏ tư tưởng lỗi thời đó. Nam nữ ngày nay bình đẳng, con dâu hay con rể đều phải có trách nhiệm với bố mẹ hai bên như nhau. "Không chỉ những người trẻ, mà thế hệ ông bà, bố mẹ cũng phải thay đổi", ông Hòa nói.
Tết cổ truyền là một dịp vui vẻ và đáng nhớ, bà Lã Linh Nga cho rằng nếu như người chồng hiểu và san sẻ với vợ, sẽ không còn những trận cãi vã như thế này nữa. "Một khi người vợ đã quen thuộc với gia đình chồng giống như gia đình mình, không còn áp lực làm dâu ngày Tết, chắc chắn họ cũng không buồn tủi nữa. Ngày Tết với họ lúc đó ở đâu cũng được, miễn có chồng có con", bà Nga cho hay.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hà Nội) nói thêm, việc phân chia Tết bên nào phải là văn hóa gia đình, có sự thống nhất lâu dài chứ không làm theo cảm hứng. Ngay từ khi kết hôn hoặc những thời điểm khác trong năm phải đem việc này ra bàn, chứ không chờ tới Tết.
Thùy Chi, 32 tuổi cho biết, cô nhận thấy vấn đề Tết nội Tết ngoại là một trong các mâu thuẫn phổ biến của các cặp vợ chồng Việt. Bởi vậy ngay từ trước khi kết hôn, cô và chồng đã cùng ngồi xuống thống nhất các vấn đề, trong đó có quy trình đón Tết.
Nhà Chi có hai chị em gái đã lấy chồng, còn nhà chồng mẹ mất cách đây vài năm, chỉ còn mình bố. Vợ chồng Chi chốt, sẽ ăn Tết nhà nội trước, rồi nhà ngoại. Sau này, sẽ điều chỉnh tùy tình hình từng năm. Điều cô đánh giá cao là ông xã sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu. Đến giờ sắp là cái Tết thứ hai và với Chi hay ông xã, việc đón Tết ở đâu trước, nhiều hay ít không còn là vấn đề nữa.
"Với vợ chồng mình, Tết là thời gian dành cho người thân. Vì thế chúng mình sẽ nương theo thời gian của bố mẹ và các em, để sao lúc ở nội hay ngoại là có đông đủ nhất", Chi nói.
Với Thu Mây, đêm trước ngày nghỉ Tết bốn năm trước, chồng cô đã gọi về cho bố mẹ nói rõ tình hình vợ sắp đẻ không về được. Ban đầu ông bà hơi hụt hẫng, nhưng rồi nghĩ ở lại là phương án hợp lý nhất.
Sau khi Mây sinh con, anh Long càng thêm hiểu và thương vợ, thương con. Tết năm sau đó tận mắt nhìn thấy vợ về quê phải tất bật trong bếp, không có được nhiều thời gian chăm sóc con khiến bé ốm một trận rất nặng. Trong khi nếu về ngoại, vợ chỉ việc ôm con. Cũng từ đó, anh quyết định sẽ chia đều Tết hai quê, hoặc tùy vợ con quyết định.
Chiều cuối năm nay, khi đi dạo mua sắm Tết, Long hỏi vợ: "Tết năm nay em muốn đón Tết ở đâu?". "Năm nay ông nội tai biến, nhưng ông ngoại vừa mất, chỉ còn có mình bà. Em nghĩ chúng mình đón Giao thừa với bà ngoại xong, rồi chiều mùng 1 ra xe về nội", Mây nói.
Phan Dương