Cứ mỗi dịp Tết đến, câu chuyện "ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại" lại là chủ đề dấy lên nhiều tranh cãi, bởi mỗi người, mỗi gia đình lại có một quan điểm khác nhau. Đặc biệt, đối với những gia đình có nhà nội và nhà ngoại ở xa nhau, mong muốn được ăn Tết ở nhà đẻ lại càng lớn hơn. Mặc dù mỗi người một ý kiến, nhưng dù là nhà nội hay nhà ngoại thì, ai cũng cần có Tết. Không thể phủ nhận nhu cầu được về nhà ngoại ăn Tết của chị em phụ nữ là hoàn toàn chính đáng, nhưng ở hướng ngược lại, cũng không thể bỏ bê chuyện nhà nội để nằng nặc đòi về bằng được.
Tôi không dám khẳng định làm thế nào mới là đúng, chỉ xin đưa ra mấy ý kiến để tranh luận về vấn đề này:
Thứ nhất, tôi thấy hầu hết các chị em muốn về ăn Tết nhà ngoại đều thắc mắc "tại sao cứ phải ở nhà nội trước, rồi tới mùng Hai, mùng Ba mới sang ngoại, sao không làm ngược lại?". Vậy thử đặt trường hợp, nếu nhà đẻ của các bạn cũng có chị dâu hoặc em dâu, nhưng đến Tết họ lại kéo về nhà ngoại hết, vậy ai là người chăm lo, đỡ đần công việc ngày Tết cho bố mẹ đẻ của các bạn? Chẳng nhẽ mấy ngày Tết lại để cho bố mẹ già tự lọ mọ nấu nướng, hương khói tổ tiên? Bạn sẽ nghĩ sao nếu con rể thắp hương cúng gia tiên, trong khi nhà có con trai lại đi mất? Chưa kể, người ngoài nhìn vào cũng sẽ có đánh giá không hay, người hứng chịu thiệt thòi chính là bố mẹ bạn mà thôi.
Thứ hai, một nét đẹp trong truyền thống của người phụ nữ Việt chính là "công, dung, ngôn, hạnh", lấy chồng thì cùng xây dựng gia đình nhà chồng. Tất nhiên, sẽ có người nói phương Tây tư tưởng thoải mái thế, này thế kia, để phản biện. Nhưng các bạn nên nhớ phụ nữ phương Tây khi lấy chồng cũng đổi theo họ chồng đó thôi. Vấn đề ở đây không phải là "trọng nam khinh nữ", mà về bản chất, người phụ nữ lấy chồng là về ở cùng, có tên trong hộ khẩu, nên cũng cần phải có trách nhiệm với gia đình chồng, chứ không thể nói đến Tết ai về nhà nấy được.
>> Ép mình phải vào bếp để giữ chồng'
Thứ ba, nói gì đi nữa, phụ nữ vẫn là người giữ lửa trong gia đình. Một mái ấm có thật sự hạnh phúc hay không, phần lớn là do người vợ, người mẹ. Dù Tây hay ta, phụ nữ vẫn nắm một vai trò quan trọng trong gia đình. Người ta có câu: "Giàu vì bạn, sang vì vợ" cùng là thế. Một người phụ nữ sau khi lấy chồng mà không có ý thức vun vén cho gia đình, sắp xếp chu toàn việc trong nhà, thì khó mà tạo nên một hôn nhân hạnh phúc.
Thứ tư, đặt địa vị vào tương lai sau này, khi bạn cũng lên chức mẹ chồng, liệu bạn sẽ nghĩ gì khi con dâu nhất quyết đòi về nhà ngoại ăn Tết trong khi công việc nhà chồng vẫn còn ngổn ngang? Tôi tin không bà mẹ chồng nào cảm thấy thực sự hài lòng với cách cư xử đó của con dâu, có chăng chỉ là bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Cuối cùng, tất cả những lập luận của tôi ở trên không phải nhằm mục đích phản đối hoàn toàn chuyện về nhà ngoại ăn Tết. Tết nội hay Tết ngoại cũng đều quan trọng và có ý nghĩa như nhau. Tôi vẫn khuyến khích các gia đình hãy ăn Tết ở cả hai nơi nếu có điều kiện. Phụ nữ lấy chồng rồi cũng không phải là từ bỏ cha mẹ đẻ, đến Tết cũng không được về. Nhưng vấn đề ở đây là sắp xếp thế nào cho hợp tình, hợp lý?
Theo tôi, "mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ" đã là truyền thống đạo lý từ bao đời nay của dân tộc ta, nên chẳng có lý do gì để phải thay đổi nét đẹp đó. Phụ nữ lo toan công việc nhà chồng thật chu toàn, mùng Một ăn Tết nhà nội xong xuôi, rồi mùng Hai cả nhà về ngoại ăn Tết, vậy chẳng phải là đẹp cả đôi đường sao? Đâu nhất thiết cứ phải đấu tranh, đòi ăn Tết nhà ngoại trước thì mới là công bằng?
Hãy nhìn sang Nhật Bản - một nước tiên tiến trên thế giới, nhưng người vợ vẫn giữ gìn nét truyền thống "lấy chồng theo chồng" suốt bao đời nay. Không thế nói là họ làm vậy là không hạnh phúc. Tiếp thu những văn hóa tiến bộ là điều tốt, nhưng không phải vì vậy mà người phụ nữ hiện đại vùng lên đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn truyền thống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.