Cứ vào những dịp cận Tết hàng năm, người ta lại nổ ra những cuộc tranh luận không hồi kết về những câu chuyện quan điểm sống. Từ chuyện có nên về quê hay không, ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, thăm chúc họ hàng hay dành thời gian đi du lịch, chuẩn bị mâm cơm cúng Tết thế nào, lì xì trẻ nhỏ ra sao...?
Cũng khó trách vì mỗi gia đình, mỗi người lại có một suy nghĩ riêng về văn hóa và phong tục truyền thống. Người có tuổi thường muốn giữ lề thói lâu đời như một cách bảo lưu giá trị văn hóa, trong khi nhiều người trẻ lại muốn hội nhập với phương Tây, bỏ bớt những lễ nghi không còn phù hợp. Ai cũng có cái lý riêng của mình và thật khó để nói bên nào đúng, bên nào sai?
Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở đây, nên có sự dung hòa giữa cái cũ và cái mới, nét truyền thống và nét hiện đại. Tết có thể ở nhà quây quần bên người thân, những cũng có thể tha hồ tung tăng vui chơi đây đó.
Cách của gia đình tôi rất đơn giản và vẫn duy trì suốt 50 năm qua dù vẫn đủ cả hai bên nội - ngoại:
Sáng mùng Một, cả gia đình tôi (hoặc các anh chị em hai bên) cùng nhau tung tăng dạo các khu phố trưng bày hoa xuân, chụp vài tấm hình lưu niệm từ trung tâm Sài Gòn đến Quận 7, hoặc đi xa hơn ở đâu đó có cảnh đẹp. Sau đó, đến trưa, tất cả cùng qua bên nội mừng tuổi ba mẹ. Sau khi "chén chú chén anh" xong, các con cháu vòng tay chúc thọ ông bà nội. Sau đó, ai thích thì ở lại chơi thêm, còn lại cùng nhau đi sang ngoại.
Chúng tôi không đợi "mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ" nói thật mùng Một mà không sang thăm chúc bên ngoại là một sai lầm. Trong Nam, thật ra Tết đúng nghĩa chỉ là ngày rước ông bà, đêm đón giao thừa và mùng Một. Còn từ mùng Hai trở đi chẳng qua chỉ là ngày nghỉ lễ. Gia đình tôi gói gọn hết các lễ nghi theo phong tục truyền thống đến hết mùng Một, rồi sau đó chỉ có nghỉ ngơi, thư giãn, nên rất thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhàng.
>> 'Ăn Tết nhà nội trước, nhà ngoại sau'
Nói thêm một chút về quan niêm sống của gia đình tôi để giữ lửa hạnh phúc. Tôi phải cảm ơn ba mẹ khi dạy cho những đứa con trong nhà, dù trai hay gái, rằng ai cũng cần phải biết làm việc nhà. Ngày xưa, đàn ông đi làm nên bắt vợ ở nhà cơm nước. Mà cơm ngày xưa cũng đâu có hoa lệ, đủ món như bây giờ. Ngày ấy, muốn đổi món phải vào trong chợ, trong khi ba mẹ tôi lại ngại ra ngoài ăn, vậy nên mẹ tôi luôn đi chợ sớm, mua con cá, mớ rau xanh, tươi về để nấu nướng cho ngon miệng.
Anh chị em tôi đứa nào cũng được theo mẹ ra chợ. Đi nhiều thành quen, có hôm mẹ nhờ một đứa nào đó chạy ra chợ mua ít cá, thịt hay gia vị. Chúng tôi tới hàng nào, cô bán hàng tên gì, mua con cá gì, mua thịt gì, mua chai nước tương hay nước mắm nào ngon... đều rất rành.
Cho nên, tôi lấy vợ sau khi phục viên về, hai vợ chồng đi làm cả ngày, ai về trước thì nấu cơm, mà tôi lại có sẵn kiến thức nội trợ mẹ dạy nên không ngại việc gì, kể cả giặt đồ cho vợ. Với tôi, thương vợ là phải biết đỡ đần việc nhà, vợ sinh em bé, nằm cữ một chỗ, thì chồng cũng phải làm thay việc nội trợ. Đàn ông chân chính là người biết giúp vợ, ngay cả những việc như nấu nướng, giặt đồ.
Ngày Tết cũng vậy, khi cả gia đình cùng chăm lo việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa... thì Tết sẽ không còn là gánh nặng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.