Tôi là một người đàn ông có vợ và hai con. Năm nào cũng vậy, ngày Tết, sáng mùng một ở nhà cha mẹ, chiều chúc Tết nhà cha mẹ vợ. Vợ chồng tôi thuận lợi là đều sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn.
Nếu như vợ chồng tôi mà nhà tứ thân phụ mẫu ở cách xa nhau như Sài Gòn và Đà Nẵng chẳng hạn, trong điều kiện kinh tế cho phép thì Tết năm nay nhà chồng, Tết năm sau nhà vợ bởi chỉ một lẻ thường tình ở đời: con (dù trai hay gái) đều có bổn phận chăm sóc, báo hiếu cho cha mẹ.
Quan điểm nhất quán của tôi lúc chưa lập gia đình: Nếu lấy vợ phải ra ở riêng vì bản thân đã chứng kiến những bất đồng trong gia đình bởi một nguyên nhân: chín người mười ý.
Những ai yêu thương cha mẹ mình thì dù cách xa vạn dặm cũng có thể thăm, chăm sóc cha mẹ với nhiều hình thức, còn đã không màng đến cha mẹ, cho dù ở ngay trong nhà cha mẹ hay nhà ở sát vách thì họ cũng chẳng lo.
>> Vợ chồng tôi 15 năm ăn Tết nhà nội nhà ngoại
Dạy con cũng vậy, con trai hay con gái của tôi đều phải làm việc nhà tùy theo độ tuổi. Chúng phải tập nấu ăn từ từ, lau nhà, rửa chén, sơn nhà cửa... chứ không quan niệm con gái phải giỏi bếp núc, khâu vá, trong khi ngoài xã hội những đầu bếp lừng danh thế giới, thợ may nổi tiếng hầu như cánh đàn ông đều góp mặt và chiếm đa số.
Quay lại chủ đề tôi nêu trên, xung quanh tôi và những gì tôi tận mắt thấy, tai nghe trực tiếp, như sau:
Bà con tôi (cô, mợ, thím, chị họ) từ tỉnh lên Sài Gòn chơi, thấy tôi (đang là sinh viên năm hai) lau nhà, rửa chén, nấu cơm (ba mẹ đi làm) thì trong trạng thái ngạc nhiên hay hốt hoảng gì đó lên tiếng:
"Trời đất ơi, ở Sài Gòn sao kỳ lạ vậy, con trai gì mà đi nấu ăn, rửa chén... chuyện này là của đàn bà, con gái làm". Theo họ, đàn ông, con trai thì phải đáng mặt đàn ông chứ, nếu rảnh rỗi ngồi quán cà phê, nhậu nhẹt, bởi tạo hóa tạo ra đàn ông là phải như vậy, không thể khác được".
Bà con tôi, hàng xóm tôi (họ đều là những người phụ nữ) dạy con như sau: "Con trai ở dơ là chuyện thường, con gái phải ở sạch. Con trai ngủ nướng bao nhiêu cũng được, nhưng con gái phải dạy sớm dọn dẹp, là đồ ăn sáng cho anh em trai".
Hàng xóm tôi (cũng là những người phụ nữ có con dâu ngồi tám với nhau): "Con dâu tôi mà ngủ 6h sáng chưa dậy là chết với tôi, tôi không chấp nhận con dâu mất nết như vậy (trong khi con trai mình ngủ 11-12h trưa mới dậy và đi cà phê, ăn sáng)".
Một phụ nữ khác nói: "Con dâu là phải theo nhà chồng, Tết nhất phải ở nhà chồng lo cơm nước, cúng kiếng. Đã rước dâu về xem như là mua đứt rồi, không có chuyện lấy chồng rồi mà lại lo quà cáp hay ngày tết mà đòi về nhà cha mẹ ruột là biết tay tôi, tôi đuổi ra khỏi nhà".
Một người khác nữa: "Nhà tôi đã có em dâu, do vậy quần áo dơ của gia đình tôi đem về nhà cha mẹ ruột (do em trai ở với cha mẹ) cho em dâu nó giặt tay. Đã có con dâu, em dâu trong nhà mà còn xài máy giặt nữa thì tốn tiền điện quá. Cứ cuối tuần tôi gom hết đồ về cho nó giặt, chứ bỏ bao nhiêu tiền cưới vợ cho em trai mà để vợ nó thảnh thơi là không ổn".
Vấn đề trọng nam khinh nữ và ngày Tết vợ phải ở nhà chồng, với tôi nó phần nào liên quan với nhau.
Đàn ông khi đã có gia đình, thì bản lĩnh thực sự đầu tiên là tạo mái nhà riêng cho gia đình mình (mua nhà, thuê nhà cũng được, miễn là độc lập, bao gồm cả độc lập tài chính với cha mẹ).
Đàn ông, mỗi người lấy vợ cho cá nhân mình chứ không lấy vợ cho cả nhà mình để chỉ có thể làm việc như một osin của gia đình.
Để làm tròn trách nhiệm với tứ thân phụ mẫu, cả vợ lẫn chồng đều bàn bạc làm theo lẽ phải, chứ không theo những tập tục cổ hủ. Đàn ông đã có gia đình mà cha mẹ ruột nói gì nghe nấy thì hôn nhân đổ vỡ hay vợ chồng xào xáo hàng ngày là chuyện đương nhiên.
(Dẫu tôi vẫn từng chứng kiến rằng nhiều phụ nữ sau khi lấy chồng xem như không có tứ thân phụ mẫu, chẳng lo gì cả, chỉ biết chồng và con mà thôi, có người còn không biết làm việc nhà là gì, đi làm về chỉ ôm cứng ngắt máy tính, điện thoại..).
Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Một xã hội nam nữ bình quyền thì điều trước tiên chính là sự thay đỗi cách nhìn của phụ nữ như ví dụ mà tôi nêu trên.
Mẹ tôi từ lúc anh chị em chúng tôi còn trẻ thơ, đã nghiêm túc thực hiện nam nữ bình quyền thông qua việc anh chị em tôi, ai cũng phải làm việc nhà, không có chuyện con trai ngủ nướng, con gái phải dây sớm dọn dẹp, lo cơm nước.
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" là như vậy. Giáo dục con cái của người mẹ là vô cùng quan trọng cho nhận thức của con trẻ về sau. Xung đột trong gia đình con cái thường do chính mẹ chồng tạo ra và cũng do người chồng nhu nhược, sống phụ thuộc vào tài chính của cha mẹ.
Trọng nam khinh nữ sẽ đi vào dĩ vãng hay nam nữ bình quyền là điều tất yếu khi và chỉ khi phụ nữ tôn trọng lẫn nhau.
Và khi đó chuyện người vợ phải có trách nhiệm chỉ lo bên nhà chồng trong những dịp lễ, Tết chỉ là những câu chuyện tiếu lâm mà thôi.
T. Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.