Trả lời:
Có khoảng 40% phụ nữ mang thai bị suy giãn tĩnh mạch thai kỳ. Đây là tình trạng mạch máu bị giãn ra, biểu hiện thành đường gân xanh nổi ở vùng chân. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân chính gây suy giãn tĩnh mạch. Ngoài ra thai lớn chèn ép vào các tĩnh mạch ổ bụng, cản trở máu theo tĩnh mạch trở về tim.
Phần lớn các tĩnh mạch giãn sẽ trở về kích thước ban đầu trong vòng một năm sau sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp suy tĩnh mạch có thể diễn tiến nặng hơn. Một trong các nguyên nhân phổ biến là do sản phụ tiếp xúc với nhiệt độ cao (hơ than, ngâm chân nước nóng...) trong thời gian dài.
Trường hợp của bạn có thể những dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch từ lúc mang thai và nằm than sau sinh là yếu tố khiến tình trạng tiến triển hơn. Đây là một tập tục có từ lâu đời ở nước ta, hiện vẫn còn nhiều gia đình áp dụng để giữ ấm, thải độc cho sản phụ sau sinh. Tuy nhiên, nằm than có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé như ngộ độc do hít phải khí CO và CO2, nổi rôm sảy, nhiễm trùng da, bỏng (do bếp than thường đặt dưới gầm giường)...
Khi sản phụ tiếp xúc với nhiệt độ quá cao từ than, các tĩnh mạch giãn ra và tích tụ nhiều máu hơn, làm tăng áp lực lên thành và van tĩnh mạch. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới như: sưng mắt cá chân và bàn chân, đau nhức chân, chuột rút, ngứa chân, chàm da khu vực tĩnh mạch giãn, loét da... Nếu bệnh diễn tiến nặng, các biện pháp điều trị nội khoa như dùng thuốc, thay đổi lối sống không thể trị dứt, người bệnh buộc phải can thiệp ngoại khoa. Nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến vỡ tĩnh mạch giãn gây chảy máu hoặc huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi...
Bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ đánh giá mức độ suy giãn tĩnh mạch. Bạn có thể điều trị bằng thuốc, mang vớ áp lực tĩnh mạch, chích xơ tĩnh mạch, phẫu thuật bằng laser/sóng cao tần, bơm keo sinh học... Song song, bạn cần thay đổi lối sống như kê cao chân trong lúc ngủ hoặc cho con bú, không bắt chéo chân khi ngồi, tránh đứng, ngồi một chỗ quá lâu, tập thể dục đều đặn... kết hợp mang vớ tĩnh mạch...
Để giữ ấm cho mẹ và bé, chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp an toàn khác như mặc áo ấm, sử dụng máy sưởi, máy điều hòa; xông hơi, massage cơ thể bằng rượu gừng, rượu nghệ, dầu; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng...
Lưu ý sản phụ nên vận động sớm sau sinh (từ 6-8 giờ sau sinh thường hoặc sau 1-2 ngày sinh mổ hoặc tùy tình trạng sức khỏe). Điều này giúp các cơ quan hoạt động nhịp nhàng, máu lưu thông thông tốt, phòng tránh suy giãn tĩnh mạch.
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM