Trả lời:
Giọng nói là kết quả của sự rung động hai dây thanh âm bên trong thanh quản vùng cổ. Khi nói, không khí từ phổi đẩy lên và đi qua hai dây thanh âm. Dây thanh âm được kéo lại gần nhau, rung lên và tạo ra âm thanh. Để âm thanh phát ra bình thường khi nói, các dây thanh âm cần hoạt động nhịp nhàng. Bất cứ điều gì cản trở chuyển động hoặc sự tiếp xúc của các dây thanh âm đều có thể gây rối loạn giọng nói.
Trẻ mới sinh, dây thanh âm dài khoảng 0,6-0,8 cm và phát triển dần khi trưởng thành. Dây thanh âm của nam giới ở độ tuổi trưởng thành thường dài 1,75-2,5 cm, trong khi của nữ là 1,25-1,75 cm. Dây thanh âm càng dày và dài thì tần số khi phát âm càng giảm, giọng càng trầm. Giọng nữ có tần số khoảng 210 Hz, còn nam có tần số thấp hơn, khoảng 120 Hz. Sự khác biệt về cấu trúc của dây thanh ở nam và nữ tạo nên sự khác biệt về giọng nói.
Nam giới dù đã thay đổi thể chất ở tuổi dậy thì nhưng giọng vẫn cao như phụ nữ thường là do rối loạn giọng nói. Đây là tình trạng giọng nói thay đổi khác thường về đặc tính như tần số, cường độ, âm sắc, chất lượng giọng nói.
Rối loạn giọng nói có thể do nhiều nguyên nhân như viêm thanh quản, liệt dây thanh âm, polyp, hạt xơ hay u nang thanh quản, ung thư thanh quản... Tình trạng này còn có thể liên quan đến vấn đề tâm lý như bối rối, lo lắng, căng thẳng hoặc những thay đổi nội tiết ở tuổi dậy thì, thai kỳ. Lúc này, nam giới có khuynh hướng duy trì giọng nói cao như trước đây dù đã trải qua những thay đổi về sinh lý. Nam giới bị rối loạn giọng nói, các dây thanh quản có thể đã trải qua những thay đổi ở tuổi dậy thì nhưng tần số giọng vẫn cao.
Bạn nên đến chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ chẩn đoán chính xác có bị thay đổi giọng từ nam sang giọng nữ hay không, mức độ nặng hay nhẹ, có do tổn thương trên dây thanh âm không.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bác sĩ nội soi tai mũi họng, nội soi hoạt nghiệm thanh quản, phân tích giọng nói để quan sát hình ảnh phóng đại của thanh quản khi người bệnh phát âm. Từ đó, bác sĩ xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu có những bất thường về hình thể dây thanh âm, người bệnh cần được phẫu thuật để can thiệp. Nếu không có bất thường về cấu trúc của dây thanh âm, người bệnh được điều trị bằng phương pháp trị liệu giọng nói. Phương pháp này giúp người bệnh hiểu được chức năng của dây thanh âm, đánh giá cao độ của giọng nói, xác định cao độ mong muốn đạt được sau trị liệu, theo dõi sự thay đổi về độ cao, tần số giọng nói.
Nam giới trưởng thành có giọng nói như phụ nữ thường mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp. Nếu bạn cảm thấy giọng nói có vấn đề nên chủ động đi khám để có biện pháp điều chỉnh. Rối loạn giọng nói có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Nếu nghi ngờ trẻ vị thành niên bị rối loạn giọng nói, phụ huynh nên đưa con đi khám sớm. Độ tuổi này, điều chỉnh rối loạn giọng nói thường có tỷ lệ thành công cao hơn và nhanh chóng phục hồi. Càng lớn tuổi, khi giọng nói đã cố định, điều chỉnh luyện giọng sẽ khó hơn nhiều.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng,
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |