Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Để Tết ta hội nhập Tết Tây" và cho rằng gộp Tết không giải quyết được vấn đề gì.
Thứ nhất, xét về mặt tự nhiên, Tết Âm lịch mới đúng là mốc bắt đầu của chu kỳ năm mới - mùa xuân hoa lá khoe sắc. Trong khi đó Tết Dương lịch ở phương Tây chỉ là mùa đông giá rét. Vậy đâu mới là Tết đúng nghĩa, mới là thời khắc đón chào năm mới? Chúng ta không thể ăn Tết giữa lúc bà con nông dân đang trồng vụ đông xuân, miền Trung vẫn trong mùa bão lũ, còn miền Bắc đang đón cái lạnh "cắt da cắt thịt" của gió mùa Đông Bắc.
Thứ hai, về mặt phong tục, các hoạt động văn hóa tinh thần xưa nay của người Việt đều gắn liền âm lịch. Như vậy, nếu nó bỏ lịch âm thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bỏ luôn các ngày giỗ, ngày rằm? Vậy việc sống và đón Tết theo dương lịch có ích lợi gì? Hay chúng ta sẽ đánh mất luôn cả cái Tết cổ truyền (dời ngày là mất).
Thứ ba, nói Tết cổ truyền kéo theo nhiều tệ nạn, phiền phức, nặng về hình thức, tôi cho rằng vấn đề này thuộc về tư tưởng và ý thức của mỗi người. Giảm tải nghi lễ, quà biếu là do thay đổi trong nhận thức của con người chứ không phải tại Tết. Năm nào tôi cũng thấy người ta đổ lỗi Tết Âm lịch làm gia tăng tệ nạn, gây lãng phí, tốn kém mà thấy tội cho Tết.
Nên nhớ rằng, một khi vấn đề đã nằm ở ý thức con người thì có gộp Tết hay không cũng không làm thay đổi được, gộp Tết mà tư tưởng vẫn vậy thì chẳng giải quyết được gì. Bạn kiên định không uống bia ngày Tết thì ai dám ép được? Còn với một người đã mê nhậu nhẹt thì tôi tin họ chẳng đợi đến Tết mới say. Thế nên, gộp Tết có khi còn làm rối loạn hơn.
Cuối cùng, lý do được nhiều người đưa ra để bảo vệ cho quan điểm gộp Tết, là khía cạnh hội nhập và phát triển kinh tế. Nhưng đến nay, thực tế vẫn chưa có bất cứ bằng chứng khoa học kinh tế vĩ mô nào khẳng định chuyện gộp Tết ta vào Tết Tây sẽ làm kinh tế Việt Nam tăng vượt bậc cả. Tôi cũng chưa thấy công ty nước ngoài nào kêu ca khó giao thương với doanh nghiệp trong nước vì vướng lịch nghỉ Tết Nguyên Đán cả. Họ vẫn làm rất tốt việc theo kiểu "nhập gia tùy tục".
Chưa biết chuyện hai kỳ nghỉ Tết liên tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu thế nào, nhưng tôi biết các dịch vụ và giao thương trong nước rất nhộn nhịp mỗi khi Tết đến. Tất nhiên, bạn có quyền không nghỉ Tết Âm lịch, nhưng vẫn còn rất nhiều người khác như chúng tôi vẫn hưởng lợi từ những kỳ nghỉ Tết này và vẫn muốn duy trì một cái Tết cổ truyền theo đúng nghĩa của nó.
Chẳng có gì đảm bảo nếu chúng ta ăn Tết cổ truyền theo dương lịch thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển đứng top đầu thế giới. Hãy nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, họ cũng nghỉ Tết Âm lịch nhưng vẫn là một trong các cường quốc hàng đầu thế giới đó thôi. Vậy nghỉ Tết có làm chậm phát triển kinh tế?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.