Tôi năm nay 32 tuổi, lấy chồng cách đây ba năm. Từ khi về làm dâu, tôi mới được trực tiếp trải nghiệm nỗi khiếp sợ mang tên cỗ bàn ngày Tết của gia đình chồng. Được xem là người thành phố nhưng gia đình chồng tôi vẫn mang nặng tư tưởng lễ giáo. Bố chồng là trưởng họ nên cũng càng cầu kỳ hơn chuyện thờ cúng gia tiên, nhất là mỗi dịp Tết.
Nếu như trước kia, ở nhà đẻ, Tết với tôi là những ngày thảnh thơi nhất trong năm, chẳng phải làm việc gì ngoài việc quét dọn nhà cửa đôi chút cho sạch sẽ đón năm mới. Ở nơi tôi sinh ra, người ta không nặng chuyện ăn Tết. Ba ngày Tết có chăng chỉ thêm bát canh măng với cái bánh chưng, còn thì vẫn dọn cơm rau như ngày thường. Chúng tôi vẫn thắp hương gia tiên trước bữa ăn, nhưng là có gì cúng nấy, không cầu kỳ mâm cao cỗ đầy, vì xét cho cùng cũng chỉ là lòng thành, ở cái tâm là chính, con cháu ăn gì thì ông bà tổ tiên ăn vậy, miễn là gia đình sum vầy.
Nhưng khi về nhà chồng, tôi được tận mắt chứng kiến, tận tay chuẩn bị một mâm cỗ Tết "chuẩn truyền thống". Mâm cơm cúng Tết của nhà chồng tôi lúc nào cũng một thực đơn không bao giờ thay đổi: sáu bát (măng nấu chân giò, canh bóng thả, miến nấu lòng gà, mọc nấm thả, mực nấu, chim hầm hạt sen) và tám đĩa (gà luộc, nem rán, giò lụa, xôi gấc, bánh chưng, thịt đông, lòng gà xào củ quả, tôm chiên). Để hoàn thành ngần ấy món ăn trước mỗi bữa, tôi và mẹ chồng phải dậy từ bốn giờ sáng và lao ngay vào bếp chuẩn bị nấu nướng. Mỗi người một việc, lần lượt từng món, xoay qua xoay lại cũng phải tới 11 giờ trưa mới hoàn tất mâm cỗ dâng lên bàn thờ gia tiên, vừa kịp lúc để bố chồng đọc bài khấn mời ông bà về dùng bữa.
>> Mẹ tôi giam mình trong bếp suốt ba ngày Tết
Ăn trưa, dọn dẹp, rửa bát xong xuôi cũng đã hơn hai giờ chiều. Tôi chỉ được nghỉ ngơi khoảng một tiếng rồi lại tiếp tục lao vào bếp chuẩn bị mâm cỗ cúng bữa chiều. Vòng quay bếp núc cứ thế lặp đi lặp lại, kéo dài tới tận mùng Năm Tết mới chính thức "hạ mâm". Đầu tắt mặt tối, bận hơn cả ngày thường, tôi dần cảm thấy chán ngán và sợ hãi mỗi dịp Tết đến. Có lần, tôi phải lấy cớ đi trực Tết để trốn ra khỏi nhà một bữa cho khuây khỏa.
Theo đúng phong tục, mâm cỗ cúng được đến đó hết hai tuần hương (khoảng hai tiếng đồng hồ). Đến khi hạ mâm xuống, đồ ăn đều nguội tanh nguội ngắt, váng mỡ đông cứng cả lại. Tất nhiên, chúng tôi không ăn ngay đồ này. Bữa cơm ngày Tết thực tế của gia đình chồng tôi là phần cỗ cúng từ bữa trước để lại. Nghĩa sau sau khi chuẩn bị đồ mới để thắp hương, tôi lại đi hâm lại đồ cũ hôm qua trong tủ lạnh (thậm chí đồ ăn thừa từ mấy hôm trước) để cả nhà ăn lại. Cứ vậy, suốt mấy ngày Tết, bữa nào chúng tôi cũng ăn đồ cũ, đồ thừa (đồ mới chỉ để thắp hương). Chưa kể, bữa nào cũng canh măng, bánh chưng, thịt gà luộc, ăn đi ăn lại khiến tôi gần như không thể động đũa từ ngày thứ hai.
Đôi khi, đem chuyện này tâm sự với chồng, anh bảo nề nếp gia đình mấy đời nay đều như vậy nên ai cũng thành quen. Chồng động viên tôi cố gắng thời gian đầu rồi cũng sớm thích nghi thôi. Tất nhiên, tôi không dám phản ứng mạnh vì biết sống đâu phải quen đấy, nhưng rõ ràng cái Tết ở gia đình chồng khiến tôi không thể nào thấy thoải mái.
>> Nhà tôi ba đời không thả cá, đốt vàng mã ngày ông Táo
Suốt ba năm nay, cứ gần đến Tết là tôi lại thấy ám ảnh. Một phần vì mệt mỏi với hàng tá công việc bếp núc, cỗ bàn ngày Tết, phần khác vì cảm giác không nuốt nổi mấy mon ăn phát ngán kia. Thực tế, nhà chồng tôi chẳng phải thích ăn bánh chưng, canh măng gì cho cam, nhưng vì "phong tục truyền thống" như vậy nên phải theo, dù đồ ăn trong Tết để lay lắt tới tận Rằm.
Có nhiều lúc, tôi thèm cái cảm giác được ăn Tết ở nhà đẻ, được nằm dài ngắm thời gian trôi, được quây quần bên mâm cơm đạm bạc vài món rau dưa thanh đạm, có thời gian hàn huyên, tâm sự với người thân trong gia đình. Tết như vậy mới là Tết, chẳng mệt mỏi, bận bịu vì những thứ lễ nghĩ khuôn mẫu rườm rà, câu nệ. Bản thân tôi không dám góp ý với bố mẹ chồng vì sợ bị nói là "vô phép", "vắt mũi chưa sạch".
Có thể xét về tuổi đời, tôi còn quá trẻ để đem chuyện vắn hóa cổ truyền ra để bàn luận, nhưng tôi nghĩ rằng, mong cầu một cái Tết nhẹ nhàng, thảnh thơi, thì ở tuổi nào cũng là chính đáng, phải không? Tại sao chúng ta cứ phải áp đặt lên nhau những thứ lễ giáo đã không còn phù hợp và mang lại giá trị cho con người hiện đại?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.