Một đánh giá công bố vào năm 2020 từ 55 nghiên cứu cho thấy, đàn ông uống rượu ba tháng trước khi quan hệ thụ thai có tỷ lệ con sinh ra tăng 44% nguy cơ mắc tim bẩm sinh.
Các bằng chứng trước đây cho thấy rượu ảnh hưởng đến kích thước, khả năng vận động và hình dạng của các tế bào tinh trùng. Nghiên cứu đăng tải trên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) năm 2017 cho thấy, việc tiếp xúc với rượu có thể làm thay đổi DNA của người cha và di truyền cho con cái. Tuy nhiên, ảnh hưởng không phải vĩnh viễn và có thể chỉ mất ba tháng để tinh trùng khỏe mạnh trở lại sau khi ngừng uống rượu.
Một nghiên cứu khác được công bố trên JAMA Pediatrics vào tháng 4/2021 cho thấy, nam giới uống rượu có thể làm tăng nguy cơ bất thường về tinh trùng, có thể dẫn đến các khuyết tật như bệnh tim bẩm sinh, dị tật chi, hở môi và dị tật đường tiêu hóa.
Mối liên hệ giữa việc uống rượu và dị tật bẩm sinh đã được nghiên cứu rất nhiều ở phụ nữ nhưng các nhà khoa học gần đây bắt đầu phân tích kỹ hơn về thói quen uống rượu của đàn ông ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của em bé.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 529.090 cặp vợ chồng dự định có con trong vòng 6 tháng. Trong số các cặp tham gia, có 364.939 nam giới không uống rượu trước khi thụ thai và 164.151 người uống rượu thường xuyên. Nhóm nghiên cứu sau đó tiến hành theo dõi tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ sau 42 ngày kể từ khi chào đời.
Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn 35% nếu người bố thường xuyên uống rượu mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn trong khoảng 6 tháng trước khi thụ thai. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị hở môi cao hơn 55% nếu người bố uống rượu thường xuyên trước khi thụ thai.
Như vậy, bằng chứng dịch tễ học cho thấy việc cha mẹ uống rượu trước khi quan hệ thụ thai có thể làm hỏng các tế bào tinh trùng và tăng nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh. Nghiên cứu không xác nhận mối liên hệ trực tiếp nhưng là dấu hiệu cảnh báo các cặp vợ chồng cần lựa chọn lối sống lành mạnh trước khi thụ thai để đảm bảo sức khỏe cho em bé.
Bác sĩ Boback Berookhim, giám đốc khoa Vi phẫu và Tiết niệu nam học tại Bệnh viện Lenox Hill, Mỹ, cho rằng cần thêm dữ liệu về lượng rượu mà đàn ông uống trước khi thụ thai. "Sẽ rất quan trọng nếu biết bao nhiêu là quá nhiều", Berookhim nói và thêm rằng, cần xác định lợi ích của việc kiêng rượu trước khi thụ thai. "Tôi khuyên những người chuẩn bị làm cha nên tiết chế lượng rượu nhưng không đề nghị kiêng hoàn toàn", Berookhim nói.
Châu Vũ (Theo Healthline)