Ông Hoài tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu 7 năm nay. Ông bị đau nhói ngực, ba lần can thiệp tái thông mạch vành thất bại, lần gần nhất cách đây ba tháng, do mạch vôi hóa nặng.
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tình trạng hẹp khít mạch vành của bệnh nhân rất nặng, cần tái thông sớm. Bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao, tử vong nếu không kịp đến viện hoặc can thiệp cấp cứu không hiệu quả.
Mạch vành của bệnh nhân vôi hóa, gấp xoắn, khúc khuỷu, độ canxi hóa cao, ê kíp quyết định khoan mảng xơ vữa bằng mũi khoan có đính kim cương nhân tạo trước khi đặt stent. Bác sĩ Hưng ví công đoạn này như "phá vòng kim cô" tạo đường đi nhằm tối ưu kết quả đặt stent.
Mũi khoan kim cương đường kính cực nhỏ được đưa vào mạch vành qua dây dẫn nhỏ và quay siêu tốc để khoan mảng xơ vữa bị canxi hóa thành vi hạt. Sau khi khoan bề mặt lòng động mạch vành trơn nhẵn bớt vôi, quá trình xử lý vị trí mạch vành hẹp nặng của bác sĩ dễ dàng hơn.
Do mạch vành hẹp nặng, trong quá trình can thiệp mũi khoan bị kẹt trong lòng động mạch. Lúc này, người bệnh động viên ê kíp phẫu thuật: "Các bác sĩ cứ bình tĩnh, tôi luôn tin tưởng".
Sau 4 giờ, ca can thiệp khoan mảng xơ vữa vôi hóa tái thông mạch vành phức tạp cho ông Hoài thành công. Người bệnh khỏe mạnh xuất viện sau 48 giờ.
Bác sĩ Hưng cho biết biến cố y khoa không thể tránh khỏi, điều quan trọng là có công cụ, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để vượt qua. Sự tin tưởng của bệnh nhân là nguồn động viên cho bác sĩ trong thời khắc phẫu thuật căng thẳng.
Khoan cắt mảng xơ vữa bằng mũi khoan kim cương thường thực hiện cho bệnh nhân mạch vành bị vôi hóa nặng, lan tỏa nhiều nhánh và nhiều chỗ, người bệnh lớn tuổi, mắc bệnh nền...
Trước đây, khi chưa có kỹ thuật này, bác sĩ thường nong bóng áp lực cao với trường hợp mạch vành vôi hóa nặng. Phương pháp này thường tốn kém nhưng kết quả đạt được không cao. Khoan mảng xơ vữa bằng mũi khoan kim cương là kỹ thuật khó, cần hệ thống máy móc hiện đại, sự phối hợp của các bác sĩ phẫu thuật tim, hồi sức tim mạch, loạn nhịp tim... phòng ngừa rủi ro.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo người ở độ tuổi ngoài 60, dù không có triệu chứng, cần khám sức khỏe định kỳ, khảo sát chuyên sâu về tim mạch. Phát hiện sớm bệnh tim mạch giúp can thiệp sớm.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |