Thiếu vi chất dinh dưỡng, nhất là ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mù lòa, tổn thương não, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, giảm chỉ số IQ (chỉ số thông minh)...
Vi chất dinh dưỡng bao gồm nhóm các vitamin A, B, C, D, E, K... và các nhóm nguyên tố khoáng chất như canxi, phospho, sắt, kẽm, đồng, selen, i-ốt... Nếu cơ thể thiếu hụt những vi chất này có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu vi chất dinh dưỡng rất khó phát hiện, vì không có triệu chứng đặc hiệu, đôi khi người ta chỉ phát hiện khi đã xảy ra biến chứng nặng nề. Các nhà dinh dưỡng học gọi tình trạng thiếu vi chất là "nạn đói tiềm ẩn".
Hậu quả của thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong hoạt động và cấu trúc của cơ thể, nếu cơ thể thiếu hụt vi chất dinh dưỡng sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau:
Thiếu canxi và vitamin D gây còi xương, loãng xương
Canxi có vai trò quan trọng trong cơ thể con người, là thành phần cơ bản cấu tạo nên xương và răng... Canxi rất cần thiết cho sự phát triển hệ xương của trẻ nhỏ, thiếu canxi có thể dẫn đến còi xương ở trẻ nhỏ và gây loãng xương ở người lớn.
Vitamin D có vai trò giúp tăng hấp thu canxi và phospho tại ruột. Thiếu vitamin D là nguyên nhân gây bệnh còi xương ở trẻ em. Khi thiếu vitamin D, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Biểu hiện của trẻ còi xương là hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc, thóp đầu đóng chậm hay ra mồ hôi trộm, lồng ngực dô ra, khả năng vận động kém, chân cong.
Thiếu i-ốt gây bướu cổ
I-ốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Khi cơ thể thiếu hụt i-ốt, tuyến giáp sẽ làm việc nhiều hơn để cố gắng tăng tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng, nhưng vẫn không tổng hợp thêm được do thiếu nguyên liệu là i-ốt.
Tuyến giáp luôn trong tình trạng làm việc quá tải nên càng ngày càng to lên và gây ra bướu cổ. Ở phụ nữ mang thai, nếu thiếu i-ốt có thể bị sẩy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Khi mẹ thiếu i-ốt, trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị đần độn, nói ngọng, chậm lớn, liệt tay chân...
Thiếu kẽm gây suy dinh dưỡng, ngủ không yên giấc
Kẽm có nhiệm vụ vận chuyển canxi vào não (canxi là một trong những chất giúp ổn định hệ thần kinh). Nếu thiếu kẽm, quá trình này sẽ không thể diễn ra nên trẻ thường có dấu hiệu rối loạn tinh thần như hay nổi cáu, khóc nhè, ngủ không yên giấc.
Kẽm còn có vai trò quan trọng trong việc nhân đôi ADN và tổng hợp protein thúc đẩy quá trình tăng trưởng, tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khướu giác. Thiếu kẽm ở trẻ không những gây biếng ăn, chậm lớn, giảm sức đề kháng mà còn hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, chậm phát triển chiều cao, còi xương, suy dinh dưỡng.
Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng
Đây là tình trạng thường xảy ra ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Sắt là một yếu tố tham gia quá trình tạo máu, là một thành phần của huyết sắc tố có trong hồng cầu, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào.
Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu và nhiều vấn đề sức khỏe liên quan. Biểu hiện của thiếu máu là da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, môi, lưỡi). Trẻ em thiếu sắt có biểu hiện chậm chạp, thiếu tập trung, học kém và hay buồn ngủ. Trẻ bị thiếu máu nặng dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp và mắc các bệnh truyền nhiễm. Phụ nữ mang thai bị thiếu sắt có nguy cơ sinh con ra nhẹ cân, sinh non và thậm chí người mẹ dễ bị thiếu máu sau sinh.
Thiếu vitamin A gây khô mắt
Vitamin A không chỉ là vi chất tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các tế bào biểu mô giác mạc, da, niêm mạc mà còn là nguồn vi chất giúp cơ thể phát triển bình thường. Khi cơ thể thiếu hụt vi chất này, trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, giác mạc mắt khô loét, dẫn đến mù lòa (trong trường hợp thiếu nhiều).
Cách nhận biết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bác sĩ Trưởng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng chất sẽ cản trở quá trình hấp thu và chuyển hóa trong cơ thể, khiến cơ thể không thể phát triển khỏe mạnh và tăng trưởng toàn diện ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do chế độ dinh dưỡng không khoa học. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt Nam hầu như không đáp ứng đủ vitamin và các khoáng chất cần thiết.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương cho biết thêm, sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng thường xảy ra âm thầm trong một thời gian dài trước khi cơ thể có các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Để xác định bạn có thiếu vi chất dinh dưỡng hay không và thiếu chất gì, thiếu nhiều hay ít, cần xem xét tỉ mỉ các triệu chứng và làm phải các xét nghiệm vitamin và khoáng chất. Đây là loại xét nghiệm quan trọng và cần thiết để chẩn đoán chính xác và điều trị "trúng đích", hiệu quả các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cao nhất nên cần thường xuyên thăm khám, xét nghiệm nhằm phát hiện và bổ sung kịp thời.
Thảo My