Ngày 20/4, ông Văn Thắng (quận Tân Bình) đi khám vì nuốt nghẹn, khó thở khi nằm, ăn uống khó khăn. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện bướu giáp nhân ác tính khoảng 5 cm ở thùy trái và một bướu giáp nhỏ ở thùy phải. Sau khi chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), bác sĩ chẩn đoán tỷ lệ ung thư tuyến giáp lên đến 90%.
Ông từng bị tràn dịch màng phổi, lao cột sống, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ông hút thuốc lá một gói mỗi ngày, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Hơn nữa, thể trạng béo phì kèm theo nhiều bệnh nền nên nguy cơ cao trong lúc gây mê và phẫu thuật.
Bác sĩ Châu Thanh Danh (khoa Gây mê hồi sức) cho biết, đường thở của bệnh nhân khá hẹp, dự trữ oxy thấp hơn so với người có cân nặng bình thường. Nếu thông khí trong quá trình gây mê thất bại, bệnh nhân bị giảm oxy máu rất nhanh, phải cấp cứu tại chỗ, nguy cơ ảnh hưởng tri giác sau này.
Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng (khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), người bệnh còn có cơ địa cổ ngắn, không ngửa cổ được tối đa nên bướu giáp ở rất sâu, gây khó khăn khi phẫu thuật bóc tách trọn vẹn khối u. Đồng thời, dây thần kinh quặc ngược thanh quản dính chặt vào nhân ung thư. Nếu bóc tách không khéo làm tổn thương dây thần kinh gây khàn tiếng vĩnh viễn, thậm chí không thể tự thở mà phải mở khí quản.
Sau khi đặt nội khí quản thành công, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch cổ và bảo toàn dây thần kinh thanh quản. Người bệnh hồi phục nhanh, không gặp biến chứng khàn giọng và tiếp tục được bác sĩ ung bướu phối hợp điều trị, phòng nguy cơ tái phát.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn người có cân nặng bình thường. Nguyên nhân là do béo phì có liên quan đến những bất thường về nội tiết, trong đó có rối loạn chức năng tuyến giáp - tiền căn của ung thư tuyến giáp.
Một số yếu tố khác như tiền sử gia đình, tiếp xúc với bức xạ, thiếu hoặc thừa iốt trong chế độ ăn uống, viêm tuyến giáp... cũng làm tăng nguy cơ u tuyến giáp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở phụ nữ từ 40-50 tuổi; nam giới ở độ tuổi 60-70. Trẻ em cũng có thể mắc bệnh.
Theo bác sĩ Hằng, tùy thuộc mức độ của khối u, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt một bên thùy hoặc toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch đi kèm. Những người trên 30 tuổi, nhất là có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh về tuyến giáp nên tầm soát ung thư tuyến giáp định kỳ. Phát hiện và điều trị phù hợp ở giai đoạn sớm có tiên lượng sống cao, nguy cơ tái phát thấp.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.