Sáng 10/5, ông Trần Thanh Vũ (52 tuổi, An Giang) tái khám với ThS.BS CKII Đoàn Minh Trông (Đơn vị Đầu - Mặt - Cổ, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM). Vết mổ mang tai lành lặn, vết khâu không để lại sẹo. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy u lành tính.
Năm 2020, ông thấy mang tai bên phải có nốt sần nhỏ, nghĩ mụn bình thường nhưng nặn không ra cồi. Đến năm 2021, khối u lớn hơn 0,5 mm nhưng ông ngại đi khám do dịch Covid-19 phức tạp. Gần đây, nốt sần lớn dần thành cục u nổi trên bề mặt da. Lo sợ ung thư, ông đến bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ Trông khám, sờ thấy khối u không di chuyển, chẩn đoán u tuyến mang tai nên chỉ định siêu âm. Kết quả ghi nhận khối u 4 cm chèn ép dây thần kinh điều khiển các cơ trên mặt (dây số VII) và chỉ định phẫu thuật.
Với 25 năm kinh nghiệm, bác sĩ Trông đánh giá: "Đây là ca phẫu thuật khó, bởi nếu không bóc tách khéo léo, người bệnh sẽ bị liệt dây thần kinh mặt gây méo mặt, liệt mặt".
Sáng 3/5, êkíp bác sĩ phẫu thuật cắt thùy nông tuyến mang tai cho ông Vũ. Bác sĩ Trông tách dây thần kinh mặt ra khỏi mô tuyến mang tai và u mà vẫn đảm bảo 5 nhánh thần kinh nhỏ như sợi chỉ, đồng thời lấy trọn khối u. Sự hỗ trợ của dao siêu âm thế hệ mới của Mỹ giúp bác sĩ đốt, cắt và hàn để cầm máu, ngăn tiết dịch trong quá trình phẫu thuật.
Người bệnh không bị mất nhiều máu, giảm nửa thời gian phẫu thuật (chỉ 1,5 tiếng) so với khi dùng dao mổ thông thường, không bị yếu liệt mặt, hồi phục nhanh. Những giờ đầu sau mổ, người bệnh không chảy máu, giảm tiết và tụ dịch, không đau, ăn uống bình thường. Sau 18 tiếng, người bệnh không biến chứng và được xuất viện ngày 5/5.
Ông Vũ chia sẻ: "Nhiều người nói tôi không nên phẫu thuật mà uống thuốc đông y, đắp lá cây cho tiêu khối u. Nhưng khi được bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh nên tôi quyết định mổ". Bác sĩ khuyên không nên sử dụng các phương pháp như lể, đắp lá cây, uống thuốc dân gian... khiến u nhiễm trùng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Trông cho biết, tuyến mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất trong cơ thể nằm ở vùng ngoài của mặt, gần góc hàm mỗi bên, bao quanh dây thần kinh mặt, tĩnh mạch ngoài và các nhánh tận của động mạch cảnh ngoài. Ngoài ra, cơ thể còn có tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ rải rác trong khoang miệng. U tuyến mang tai chiếm 80% các khối u tuyến nước bọt, trong đó 20% ác tính.
Nhiều khối u lành tính nhưng có kích thước lớn gây khó nuốt, chèn ép dây thần kinh mặt dẫn đến liệt mặt. Đa số các khối u mang tai, dù lành hay ác tính đều có chỉ định phẫu thuật. Mức độ phẫu thuật dựa bản chất khối u và khuyến cáo của bác sĩ. Khi phát hiện bất thường, nghi ngờ khối u, người bệnh nên thăm khám để được theo dõi, điều trị kịp thời, tránh bị liệt dây thần kinh mặt vĩnh viễn.
Nguyễn Trăm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.