Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến đề xuất với Thành phố Hà Nội, cho 100% học sinh khối 7-12 ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã, trở lại trường sau Tết, nếu tình hình dịch ổn định. Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến thời gian dài và ở quy mô rộng nhất cả nước. Thành phố gần đây vẫn đang có trên dưới 3.000 ca nhiễm mỗi ngày. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát trên VnExpress về việc có sẵn sàng cho con đi học lại sau Tết Nguyên đán, 61% người dùng "đồng ý".
Trước những ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện cho học sinh quay lại trường vào thời điểm này, độc giả Nguyen Duy Hung nêu quan điểm: "Cho học sinh đi học lại hay tiếp tục học online ở nhà đang là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Cả hai phương án trên đều có những cái được và cái mất. Tôi tin rằng, Nhà nước, Bộ Giáo dục & Đào tạo, cùng các bộ ngành liên quan cũng đang phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra một quyết định nào đó trong thời điểm nhạy cảm này. Thế nên, phụ huynh học sinh cũng không nên gây quá nhiều sức ép.
Nếu trường học cho các cháu đi học lại, nghĩa là quận đó đã kiểm soát được dịch, vậy cớ sao lại dừng các hoạt động kinh doanh khác? Tại sao hàng quán vẫn phải đóng cửa? Chúng ta không thể nói ở trường học tập trung an toàn, còn hoạt động ngoài xã hội kia thì không, nên phải đóng cửa. Điều đó sẽ gây ra nhiều xung đột không đáng có trong cách vận hành xã hội thích nghi trong hoàn cảnh bình thường mới.
Các cháu đi học lại sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong nhà trường. Một học sinh nhiễm Covid-19 sẽ kéo theo cả lớp có nguy cơ trở thành F0. Rộng hơn là những người trong gia đình của các học sinh đó cũng thành F1 và đối diện khả năng thành F0. Vậy lúc đó, chúng ta sẽ lấy gì để hy vọng khống chế, kiểm soát và dập được dịch?
Tất nhiên, chúng ta cũng cần nhìn lại những tác động tiêu cực đến học sinh khi các em không được đến trường trong một thời gian dài. Dĩ nhiên, hệ lụy khi các cháu phải ở nhà lâu là điều vẫn hiện hữu, không thể chối cãi. Nhưng nếu nhìn rộng ra xã hội, ta cũng thấy rất nhiều người ngoài kia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid và để lại những di chứng sau khi khỏi bệnh. Ngoài ra, còn cả hệ lụy từ những gia đình có người thân bị mất bởi Covid-19. Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với họ còn lớn hơn nhiều câu chuyện đi học của học sinh, nên cũng rất đáng được cân nhắc.
Tôi tin chắc rằng, tất cả chúng ta đều muốn Covid không bao giờ xuất hiện, nhất là những gia đình có người thân bị nhiễm và qua đời vì dịch bệnh. Để hiện thực điều đó, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi điều gì đó để đạt mục tiêu lớn. Chuyện chưa cho học sinh đi học lại 100% cũng là một trong số đó.
Nếu vẫn còn những tư tưởng "cuối tuần phải cho con ra đường đi giải ngố do ở nhà quá lâu", e rằng chúng ra sẽ còn xa mới đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Còn nếu đã chấp nhận để học sinh đến trường như 61% ý kiến phụ huynh được khảo sát, nghĩa là chúng ta coi tình hình hiện nay đã là an toàn để trở lại nhịp sống bình thường, vậy thì chẳng có lý do gì để không mở cửa kinh tế tất cả, phải không?".
>> 'Bong bóng học đường' sau dịch
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, bạn đọc Amipec chỉ ra những hệ lụy tiêu cực nếu tiếp tục không để trẻ đến trường: "Theo tôi, bây giờ, chúng ta cần một giải pháp cụ thể để cho học sinh quay lại trường học. Không thể để tình trạng học online tiếp diễn mãi như thế này.
Ưu điểm khi học online kéo dài có lẽ chỉ là giúp bố mẹ không phải đưa đón con hàng ngày. Nhưng mặt hạn chế của phương pháp này lại rất nhiều:
Thứ nhất, do học một mình nên các em sẽ không có người quản lý, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, dẫn đến ý thức học tập không được rèn giũa như khi học trên lớp có giáo viên.
Thứ hai, tình trạng thi và kiểm tra online hiện nay là cơ hội để các học sinh sử dụng tài liệu một cách dễ dàng mà không ai giám sát, quản lý được. Điều này khiến cho kết quả không phản ánh đúng năng lực của học sinh, việc đánh giá chất lượng học sinh vì thế cũng không thể chính xác. Con tôi học lớp 7, học kỳ I vừa qua, lớp con có số học sinh giỏi tăng gấp đôi so với năm ngoái. Theo tôi, đây là một kết quả rất đáng quan ngại .
Thứ ba, ở nhà quá lâu, các con sẽ không có quan hệ giao tiếp với bạn bè, thầy cô hàng ngày. Việc cả ngày chỉ đút chân trong gầm bàn học online cũng khiến các con không có thời gian vận động. Do vậy, việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ.
Thứ tư, chất lượng giảng dạy online cũng không đồng đều và bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thực tế, nhiều thầy cô giảng đúng, bài bản, nhưng học sinh mỗi em làm một việc riêng, không tập trung học nghiêm túc. Bản thân giáo viên cũng không thể quán xuyến vài chục học sinh trong một lớp qua màn hình máy tính. Tất cả khiến chất lượng dạy và học đi xuống trông thấy theo thời gian.
Ảnh hưởng trầm trọng đến quá trình phát triển tâm lý và sức khoẻ của học sinh toàn quốc là điều có thể nhìn thấy rất rõ. Dịch sẽ tồn tại rất lâu nữa, nên chúng ta phải tìm cách chung sống cùng Covid-19. Thực tế cho thấy có rất nhiều loại virus vẫn đang tồn tại cùng con người bấy lâu nay, thế nên chờ đến khi hết dịch mới cho trẻ đi học lại sẽ là quá muộn".
Học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp từ đầu tháng 5/2021 khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Đến 8/11, khoảng 4.000 học sinh lớp 9 tại Ba Vì được trở lại trường. Hai tuần sau, khối 9 tại 17 huyện, thị ngoại thành cũng được học trực tiếp. Đến 6/12 năm ngoái, các trường THPT mở cửa đón học sinh lớp 12. Hiện có khoảng 64.000 em, trên tổng số khoảng 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.