Ngày 20/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, tin học... trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang lên kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp để đảm bảo an toàn sức khỏe của các em trong đại dịch lần này.
Trước nhu cầu và lo lắng mở cửa trường học, tôi xin chia sẻ vài điều để các trường hợp và cơ quan giáo dục có thể xem xét.
Mô hình 'bong bóng học đường' của các nước phương Tây
Để thích nghi với đại dịch Covid-19, các nước Anh, Mỹ, và châu Âu đã thiết kế ra mô hình "bong bóng học đường" áp dụng cho các trường học. Mỗi lớp học là một "bong bóng" hoàn toàn tách biệt nhau. Việc tổ chức đón trả trẻ lệch giờ, đảm bảo không tập trung học sinh các lớp, cũng như phụ huynh không tụ tập khi đến đón bé. Các giờ học thể thao, ra chơi, ăn trưa đều được tách riêng biệt theo từng "bong bóng". Các lớp không chạm mặt nhau. Lối đi trong trường được thiết kế một chiều, vào một chỗ, ra theo một hướng khác để giảm thiểu học sinh tiếp xúc đối mặt.
Mục tiêu của mô hình này là hạn chế tối đa sự tiếp xúc của học sinh với nhau, gói gọn hoạt động của từng lớp trong môi trường riêng biệt. Điều này sẽ có lợi nếu có phát sinh ca F0 trong trường học. Bên cạnh bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, chúng ta có thể tham khảo, học hỏi mô hình "bong bóng học đường" của quốc tế để đưa ra hướng dẫn tổ chức hoạt động trường học an toàn nhằm tối ưu hiệu quả phòng dịch.
Ngoài ra, Sở Y tế và Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố cần thảo luận, hợp tác ban hành quy trình cụ thể cho trường học để xử lý trường hợp phát sinh F0 tại cơ sở. Hiện nay, việc xử lý các trường hợp F0 trong cộng đồng còn chưa đồng nhất, do chưa có quy định cụ thể. Như trường hợp khi phát sinh ca F0 trong trường học tại tỉnh Bắc Ninh, chính quyền địa phương đã quyết định tổ chức xét nghiệm toàn bộ học sinh tại phường nơi phát sinh ca nhiễm. Trong tương lai, tùy theo tình hình tiêm chủng của địa phương, nên cân nhắc mô hình khoanh vùng cách ly và xét nghiệm diện hẹp, đảm bảo vừa đạt an toàn phòng dịch vừa không để xảy ra tình trạng lãng phí.
Đối với TP HCM, tỷ lệ tiêm chủng của người dân đã đạt mức cao (gần 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm ngừa và 72% người dân trong độ tuổi này được tiêm đủ hai mũi), rủi ro tử vong vì dịch bệnh cũng giảm đi, đủ đáp ứng điều kiện mở lại nhiều hoạt động. Vì vậy, khi phát sinh ca F0 trong cộng đồng, trường học, chúng ta có thể xử lý khoanh vùng cách ly và xét nghiệm diện hẹp.
Tiêm vaccine và xét nghiệm nCoV bằng nước bọt với trẻ em
Vấn đề phụ huynh quan tâm hiện nay là trước khi quay lại trường, khi nào con họ được tiêm chủng vaccine? Điều kiện sức khỏe của học sinh để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng? Và các tác dụng phụ (nếu có) khi tiêm vaccine?
Tiêm chủng vaccine giúp học sinh có thể đạt miễn dịch với các biến chủng của virus Covid-19, giảm khả năng bệnh trở nặng khi bị lây nhiễm, và giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất khả năng tử vong. Do vậy, vaccine là điều kiện cần thiết khi cho học sinh quay trở lại trường. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian do còn tùy thuộc vào tiến độ nhập khẩu vaccine cho trẻ em và sự dè dặt của phụ huynh trước các tác dụng phụ có thể có.
Vì thế, tôi cho rằng các trường có thể tạo điều kiện cho các học sinh đã được tiêm vaccine đầy đủ đi học trực tiếp và duy trì tổ chức học trực tuyến cho các đối tượng học sinh chưa được tiêm vaccine. Điều này cũng có lợi cho việc giảm tải số lượng học sinh trong lớp học, đảm bảo khoảng cách an toàn của học sinh trong các trường công, giảm rủi ro lây nhiễm trong môi trường học đường.
Ngoài ra, tôi cho rằng có thể xét nghiệm học sinh hàng tuần, giống như hai trường học ở xã đảo Thạnh An (TP HCM) đang tiến hành. Tuy nhiên, với học sinh mầm non, lớp nhỏ tuổi, cần nghiên cứu phương pháp xét nghiệm nhẹ nhàng hơn thay vì lấy mẫu thử qua đường mũi. Tôi thấy nhiều nước trên thế giới có thể xét nghiệm bằng mẫu nước bọt, cơ quan y tế có thể nghiên cứu.
>> 'Tôi mong con được đến trường'
Đảm bảo môi trường học đường an toàn
Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học là cần thiết, hướng dẫn trường học chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phù hợp khi học sinh đi học lại. Bên cạnh đó, chúng ta cần ban hành hướng dẫn chi tiết tổ chức môi trường trường học an toàn (tham khảo mô hình "bong bóng học đường" của các nước) và hướng dẫn xử lý phát sinh ca F0 trong trường học tùy theo điều kiện phòng, chống dịch địa phương (mức độ dịch, tỉ lệ tiêm chủng...).
Ví dụ, ở tiêu chí thành phần số 10 của Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, "không khuyến khích cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động sau 16 giờ 30 phút", sẽ gây khó khăn cho trường học khi tổ chức trả trẻ lệch giờ, phụ huynh tập trung đông đón con gây tắc nghẽn, tăng rủi ro lây nhiễm. Có thể điều chỉnh không khuyến khích cơ sở giáo dục tổ chức giữ trẻ ngoài giờ, tạo điều kiện tổ chức trả trẻ lệch giờ theo từng độ tuổi, hạn chế tối đa tiếp xúc của học sinh các khối lớp cũng như phụ huynh.
>> Dạy online khổ sở vì phụ huynh bỏ mặc con
Tôi xin có một số đề xuất khác cho công tác tổ chức trường học an toàn trong đại dịch như sau:
- Tiêm chủng đầy đủ cho giáo viên, công nhân viên nhà trường;
- Tổ chức xét nghiệm định kỳ cho giáo viên, công nhân viên nhà trường. Trường hợp có dấu hiệu cảm sốt, cần được xét nghiệm và nghỉ bệnh tại nhà;
- Phụ huynh cần được tiêm chủng ít nhất một mũi;
- Phụ huynh hợp tác bảo vệ sức khỏe học sinh, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, tự xét nghiệm định kỳ cho người lớn nhằm bảo vệ trẻ em;
- Tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho học sinh các cấp. Đối với cấp học mầm non, tổ chức xét nghiệm định kỳ học sinh;
- Giáo viên hướng dẫn học sinh tuân thủ nguyên tắc 5K;
- Đảm bảo khoảng cách học sinh trong lớp học, tổ chức các giờ hoạt động xen kẽ, lệch giờ, hạn chế tiếp xúc;
- Học sinh có dấu hiệu cảm sốt, nghi bệnh nên được phụ huynh cho nghỉ bệnh tại nhà, chủ động tự xét nghiệm. Phụ huynh có dấu hiệu nghi bệnh nên ý thức tự xét nghiệm;
- Ban Giám Hiệu lên phương án xử lý khi phát sinh ca F0 tại trường học;
- Tổ chức đón trả học sinh khoa học, hạn chế tập trung đông người;
- Trang bị vật phẩm y tế, nước rửa tay, khẩu trang để phòng chống dịch;
- Cán bộ, công nhân viên nhà trường cần bình tĩnh đối phó với đại dịch.
Ngoài ra, Sở Giáo dục & Đào tạo có thể tổ chức thí điểm trường học ở từng khu vực tùy theo mức độ dịch; nhằm triển khai Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 thuận lợi, tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Sau khi kiện toàn phương án tổ chức hoạt động trường học đạt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, có thể triển khai đồng loạt trên diện rộng cho tất cả các cơ sở giáo dục tại địa phương.
Nguyễn Minh Tuấn
>> Bạn đã sẵn sàng đưa con đến trường? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.